Đường dẫn truy cập

Phúc trình LHQ về tội ác chiến tranh có thể gây áp lực đối với Sri Lanka


Nạn nhân một vụ tấn công đạn pháo ở Sri Lanka chờ bên ngoài một trạm xá tạm ở Mullivaaykaal hôm 10/5/2009
Nạn nhân một vụ tấn công đạn pháo ở Sri Lanka chờ bên ngoài một trạm xá tạm ở Mullivaaykaal hôm 10/5/2009

Chính phủ Sri Lanka mạnh mẽ chỉ trích một phúc trình mới của Ủy ban Liên hiệp quốc điều tra về những tội ác đã xảy ra trong những tháng sau cùng của cuộc nội chiến tại nước này. Các tổ chức và giới chuyên bảo vệ nhân quyền hy vọng phúc trình sắp được công bố này sẽ thúc đẩy sự minh bạch của Sri Lanka.

Trong khi phúc trình của Ủy ban Liên hiệp quốc chưa được công bố công khai, Bộ Ngoại giao Sri Lanka hôm nay đã lên tiếng bác bỏ bản phúc trình mà họ gọi là sai lệch căn bản. Bộ ra thông cáo nói rằng bản phúc trình về các tội ác chiến tranh có thể có dựa trên các tài liệu rõ ràng một chiều và không được kiểm chứng. Thông cáo cho biết giới hữu trách Sri Lanka sẽ bình luận chi tiết đúng lúc phúc trình được công bố.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền rất hưởng ứng lời hứa của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon rằng sẽ công bố bản phúc trình đầy đủ ra công luận một khi giới lãnh đạo Sri Lanka có cơ hội để tiếp thu. Bản phúc trình có thể được công bố trong vài ngày tới.

Ủy ban của Liên hiệp quốc tập trung phần lớn chú ý tới vài tháng sau cùng của cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở Sri Lanka. Chính phủ Sri Lanka mà người Sinhalese chiếm đa số đã thắng lớn trong chiến dịch chống lại các phần tử chủ chiến ly khai Tamil vào năm 2009.

Cả hai bên đều bị tố cáo gây ra tội ác chiến tranh, nhưng những tố giác cho rằng chính phủ Sri Lanka có lẽ đã giết chết tới 10 ngàn thường dân trong vài tháng sau cùng của cuộc nội chiến đã khiến giới hữu trách nước này lên tiếng tự vệ.

Ông Alan Keenan là một chuyên gia phân tích cao cấp về Sri Lanka thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Ông nói ông hy vọng các chuyên gia Liên hiệp quốc sẽ gia tăng áp lực quốc tế để buộc chính phủ Sri Lanka phải có câu trả lời.

Chúng tôi hy vọng họ sẽ đồng ý với chúng tôi rằng đề nghị của chính phủ Sri Lanka hiện thời là không thích đáng và vì vậy cần phải có một ủy ban điều tra quốc tế hay đại loại như thế.”

Ông Keenan cho rằng có phần chắc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hay Hội đồng Nhân quyền sẽ không hình thành một tổ chức điều tra, một phần vì các nước thành viên có quyền phủ quyết như Nga và Trung Quốc tán đồng với quan điểm của Sri Lanka rằng công tác điều tra về nội chiến là một vấn đề nội bộ.

Chúng tôi nghĩ cách dễ nhất và có nhiều khả năng xảy ra nhất là chính Tổng Thư ký chỉ định một nhóm điều tra có đủ quyền thanh tra để nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn những gì mà nhóm chuyên gia này có thể làm.”

Bà Meenakshi Ganguly, Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nói bà hy vọng phúc trình của Liên hiệp quốc sẽ giúp củng cố những tố cáo của Human Rights Watch vốn đã bị Sri Lanka bác bỏ như một phần của một âm mưu.

Chúng tôi hy vọng nó sẽ giúp chấm dứt các cáo buộc nhắm vào các tổ chức nhân quyền rằng mọi việc đều là một âm mưu.”

Bà Ganguly nói không giải quyết vấn đề về tội ác chiến tranh trong cuộc nội chiến một cách minh bạch sẽ ảnh hưởng đến tính hợp pháp của chính phủ Sri Lanka về lâu về dài.

Nếu Sri Lanka ngày nay trở thành một đất nước ủng hộ một chính phủ rải bom lên thường dân để chiến thắng trong cuộc chiến thì đây không phải là một thông điệp sẽ được chấp nhận bởi đa số những người tin vào nhân quyền. Và khi làm điều này, về mặt nào đó, Sri Lanka cũng đang tự hủy hoại uy tín của chính mình và rốt cuộc điều đó sẽ gây phương hại cho chính họ.”

Các chuyên gia được Liên hiệp quốc chỉ định bị cấm không được đi thị sát Sri Lanka theo như ý muốn, và cho biết họ không có một chỉ thị đủ mạnh để tiến hành các cuộc điều tra. Theo dự kiến, một báo cáo của các thanh tra viên do Sri Lanka chỉ định có tên gọi là Những bài học rút tỉa và Ủy ban hòa giải sẽ được công bố vào tháng sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG