Đường dẫn truy cập

Hội Đồng Bảo An thảo luận về vùng cấm máy bay tại Libya


Ông Lynn Pascoe, một viên chức chính trị cao cấp của Liên Hiệp Quốc, thuyết trình trước Hội đồng Bảo an về tình hình ở Libya
Ông Lynn Pascoe, một viên chức chính trị cao cấp của Liên Hiệp Quốc, thuyết trình trước Hội đồng Bảo an về tình hình ở Libya

Tại Liên Hiệp Quốc, Anh và Pháp đã soạn thảo một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về vùng cấm máy bay tại Libya. Trong khi các nhà ngoại giao nói chưa có văn kiện chính thức nào được luân lưu, các cuộc thảo luận đang được tiến hành sau hậu trường giữa các nước thành viên của hội đồng.

Các nhà ngoại giao Anh nói công việc của họ về một nghị quyết vùng cấm máy bay tại Libya là một kế hoạch để đối phó với những bất ngờ trong khi chuẩn bị cho tất cả những gì có thể xảy ra tại Libya nơi các tay súng chống chính phủ đang giao chiến đẫm máu với những lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Hôm thứ Ba, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được ông Lynn Pascoe, một viên chức chính trị cao cấp của Liên Hiệp Quốc thuyết trình khi ông vừa trở về từ vùng này. Ông Pascoe nói với các phóng viên sau phiên họp:

“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đang chú ý theo dõi tình hình tại đây với những lo ngại. Chúng ta thấy chiến trận đang xảy ra, những khó khăn của người dân thoát ra khỏi vùng này hiện nay, những hành động rõ ràng chống lại người dân ở đây, tại Tripoli và những thành phố khác. Đây là một mối quan tâm to lớn của chúng ta tại văn phòng Tổng Thư Ký cũng như tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.”

Được hỏi liệu ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc có ủng hộ vùng cấm máy bay hay không, ông Pascoe nói đây là quyết định của Hội Đồng Bảo An chứ không phải của ông Tổng Thư Ký.

Tuy nhiên một nghị quyết thiết lập một vùng cấm máy bay trong đó một số loại máy bay, nhất là máy bay quân sự bị cấm bay vào có thể gặp trở ngại không thể được đưa ra thảo luận giữa 15 thành viên của hội đồng.

Những thành viên có quyền phủ quyết như Nga và Trung Quốc từ trước tới nay không muốn can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác và có thể có những dè dặt nghiêm trọng về việc ủng hộ một biện pháp như vậy.

Tại Hoa Kỳ về ý kiến khác nhau về biện pháp này trong đó một số đại biểu Quốc hội kêu gọi ủng hộ, trong khi một số khác cho rằng khó thực thi.

Ngay cả hai quốc gia soạn thảo nghị quyết cũng nói cần phải có những diễn biến thúc đẩy rõ rệt mới đưa nghị quyết ra hội đồng biểu quyết, như việc tàn sát thường dân hay là những hình thức vi phạm nhân quyền trầm trọng và có hệ thống.

Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc Hardeep Singh Puri, thành viên không thường trực của Hội đồng nói một biện pháp như vậy cần đến sự ủng hộ trong vùng. Đại sứ Singh nói:

“Không những cần sự ủng hộ của Liên đoàn Ả Rập nhưng cũng cần phải tìm xem quan điểm của Liên Hiệp Châu Phi như thế nào. Nghị quyết 1970 chỉ mới có vài ngày và chúng ta muốn thấy nghị quyết 1970 được thực thi đầy đủ và muốn tìm hiểu xem những quốc gia trong vùng nhìn vấn đề như thế nào rồi sau đó hội đồng mới đưa ra một quan điểm được xem xét trước.”

Đại sứ Đức Peter Wittig nói chính phủ ông muốn thấy có những áp lực chính trị đặt vào chính phủ Gadhafi với những chế tài thêm nữa vượt quá việc cấm du hành, phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí và đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép trong tháng trước.

Ông nói thêm là hội đồng đã thảo luận những biện pháp vượt quá những chế tài này, nhưng những cuộc thảo luận này chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi mà thôi.

Các nhà ngoại giao tại hội đồng nói chưa có một bản dự thảo chính thức được luân lưu và chưa có một thời biểu rõ rệt để làm việc này, Tất cả những hành động xa hơn nữa tại hội đồng tùy thuộc phần lớn vào tình hình tại chỗ biến chuyển như thế nào ở Libya.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG