Đường dẫn truy cập

Myanmar: TT Indonesia hối thúc chấm dứt bạo lực, nhiều nước ASEAN ủng hộ đàm phán


Tư liệu: Cố vấn Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi và TT Indonesia Joko Widodo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Philippines, 29/4/2017.
Tư liệu: Cố vấn Quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi và TT Indonesia Joko Widodo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Manila, Philippines, 29/4/2017.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 19/3 kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Myanmar, nơi quân đội đang nắm quyền, và hãy tổ chức một hội nghị cấp cao quy tụ các lãnh đạo Đông Nam Á để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Myanmar.

Trong những phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ của một lãnh đạo khu vực về cuộc đàn áp bạo lực tại Myanmar nhắm vào những người biểu tình chống đảo chính, Tổng thống Indonesia, Jokowi, cho biết ông sẽ gọi ngay cho Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, đương kim chủ tịch ASEAN để hối thúc ông triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.

Ông Jokowi nói trong một bài diễn văn đọc trực tuyến:

“Indonesia kêu gọi ngưng ngay bạo lực ở Myanmar để không còn nạn nhân nào nữa,”

“Sự an toàn và phúc lợi của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Indonesia đồng thời kêu gọi đối thoại, hòa giải phải được tiến hành lập tức để khôi phục nền dân chủ, khôi phục hòa bình và sự ổn định ở Myanmar ”.

Bộ Ngoại giao Brunei không trả lời ngay yêu cầu bình luận, mặc dù các thành viên ASEAN gồm Malaysia và Philippines, kêu gọi phải có hành động đối với Myanmar.

Hậu thuẫn lời kêu gọi của Indonesia yêu cầu tổ chức hội nghị, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nói ông kinh hãi trước cảnh bạo lực chết người liên tục diễn ra nhắm vào những người dân thường không có vũ trang ở Myanmar.

“Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi giới lãnh đạo quân sự ở Myanmar hãy thay đổi đường lối và chọn một con đường hướng tới các giải pháp hòa bình,” ông Muhyiddin nói trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Trong một loạt bài đăng trên Twitter về tình trạng bạo lực ở Myanmar, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói ASEAN “phải hành động, bởi vì thụ động là đồng lõa; và im lặng có nghĩa là đồng ý”.

Indonesia là nước dẫn đầu các nước láng giềng của Myanmar trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, mà theo các nhà hoạt động, đã khiến hơn 200 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Hàng trăm người biểu tình và các quan chức còn lại của chính phủ bị lật đổ đã bị bắt giữ, các cuộc đình công đang làm tê liệt đất nước và các nước phương Tây đã bày tỏ sự phẫn nộ, công bố các biện pháp chế tài để trừng phạt tập đoàn quân phiệt Myanmar vì đã sử dụng vũ lực chết người.

Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi là một trong những nhân vật chủ yếu hối thúc ASEAN mở một cuộc họp trực tuyến “không chính thức” có sự hiện diện của đặc sứ do quân đội Myanmar bổ nhiệm hôm 2 tháng 3, nhưng cuộc họp này không đạt được bước đột phá nào.

Vấn đề Myanmar là một vấn đề phức tạp đối với ASEAN. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vốn có chính sách không can thiệp vào nội bộ 10 nước thành viên, gồm các nước độc tài và các chính quyền do các cựu tướng lãnh lãnh đạo.

ASEAN nói chung kêu gọi tất cả hãy bình tĩnh và mở đối thoại, đối thoại nhưng tổ chức khu vực này không đồng thuận với nhau về một giải pháp. Cho đến nay, các nước có lập trường mạnh mẽ nhất về cuộc khủng hoảng ở Myanmar gồm có Philippines, Singapore và Indonesia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG