Đường dẫn truy cập

Trường Phát Lộc bị Mỹ chế tài vì ‘vận chuyển buôn bán' xăng dầu của Iran


Ảnh chụp từ video phát trên truyền hình Nhà nước Iran hồi tháng 11/2021, cho thấy 1 tàu chiến của Mỹ (bên trên) và một tàu chở dầu mang cờ Việt Nam (bên dưới) ở Vịnh Oman. Mỹ và Iran lúc đó đưa ra các thông tin khác nhau về sự liên đới của tàu chở dầu mang cờ Việt Nam.
Ảnh chụp từ video phát trên truyền hình Nhà nước Iran hồi tháng 11/2021, cho thấy 1 tàu chiến của Mỹ (bên trên) và một tàu chở dầu mang cờ Việt Nam (bên dưới) ở Vịnh Oman. Mỹ và Iran lúc đó đưa ra các thông tin khác nhau về sự liên đới của tàu chở dầu mang cờ Việt Nam.

Công ty vận tải biển Trường Phát Lộc của Việt Nam nằm trong mạng lưới các pháp nhân quốc tế bị Chính quyền Tổng thống Joe Biden áp chế tài trước cáo buộc tham gia vào việc mua bán và vận chuyển bất hợp pháp xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran.

Công ty của Việt Nam nằm trong số 15 công ty, gồm cả Singapore, Hong Kong, Ả Rập Xê Út (UAE) và Iran bị Bộ Tài chính Mỹ áp chế tài, phong tỏa mọi tài sản có tên của họ ở Hoa Kỳ cũng như cấm các công ty Mỹ kinh doanh với họ.

Bộ Tài chính Mỹ nói rằng các công ty này đã “sử dụng một mạng lưới các công ty bình phong có trụ sở tại Vùng Vịnh để tạo điều kiện cho việc phân phối và buôn bán hàng trăm triệu đô la giá trị dầu và các sản phẩm hóa dầu từ các công ty của Iran tới Đông Á.”

Danh sách chỉ định trừng phạt mà Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra hôm 6/7 có tên Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc, hay TPL Shipping JSC, với địa chỉ ở Quận Phú Nhuận tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Trường Phát Lộc vào danh sách chế tài cùng với 14 cá nhân và pháp nhân khác có liên quan tới việc vận chuyển được cho là trái phép dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trường Phát Lộc đã quản lý về thương mại và kỹ thuật cho một tàu vận chuyển các sản phẩm xăng dầu của Iran.

Các cuộc gọi của VOA tới công ty này không được hồi âm. Trường Phát Lộc không trả lời yêu cầu bình luận qua email về việc bị Mỹ đưa vào danh sách chế tài.

Trường Phát Lộc cho biết trên trang Facebook chính thức rằng họ là một công ty vận tải biển quốc tế được thành lập vào tháng 12/2009 và đã mở rộng thị trường sang lĩnh vực khai thác vận tải hàng khí hóa lỏng trong khu vực Đông Nam Á từ việc chỉ quản lý một chiếc tàu dầu/hóa chất ban đầu chuyên vận tải dầu sản phẩm ở khu vực nội địa Việt Nam. Công ty này còn nói rằng họ “có định hướng phát triển chuyên nghiệp bền vững và ổn định” để “hội nhập với ngành vận tải biển trong khu vực và trên thế giới.”

Các chế tài của Mỹ được đưa ra cho công ty Việt Nam cùng mạng lưới quốc tế trong danh sách đen của Bộ Tài chính Hoa Kỳ giữa lúc chính quyền Biden tiếp tục gây sức ép lên Iran để buộc quốc gia Trung Đông trở lại bàn đàm phán về việc nối lại một thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama nhằm ngăn Tehran có được vũ khí nguyên tử.

Thỏa thuận Hạt nhân Iran được Mỹ, Iran, các cường quốc thế giới khác và Liên hiệp châu Âu thống nhất ký kết vào năm 2015 nhưng Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền đã rút Mỹ ra vào năm 2018 và áp các chế tài lên Iran với hy vọng thiết lập một thỏa thuận mới.

Dưới thời Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trừng phạt Công ty Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) và giám đốc của công ty này vì vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran.

Hà Nội lúc đó đã phản đối cũng như kêu gọi Mỹ dỡ bỏ biện pháp cấm vận đối với PCT, và khẳng định rằng Việt Nam tuân thủ các nghị quyết cũng như xử lý nghiêm và thỏa đáng các trường hợp vi phạm.

Một công ty vận tải khác của Việt Nam cũng từng bị Bộ Tài chính Mỹ chế tài vì vi phạm lệnh cấn vận đối với Triều Tiên hồi vào tháng 12/2020.

Kể từ khi Tổng thống Biden lên nhậm chức vào đầu năm ngoái, Mỹ đã tìm cách để đàm phán trở lại hiệp ước với Iran. Cách đây hai tuần, Washington cũng đã áp chế tài lên một mạng lưới tương tự các nhà sản xuất hóa dầu của Iran và các công ty bình phong ở Trung Quốc và UAE.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG