Đường dẫn truy cập

Trung Quốc thất bại nặng dù đổ 18,5 tỷ đô la vào tham vọng chế tạo chip


Một dây chuyền sản xuất chip ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 2/2020
Một dây chuyền sản xuất chip ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 2/2020

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Wuhan Hongxin mới đây ra thông báo đề nghị tất cả nhân viên nghỉ việc, trang Global Times của Trung Quốc đưa tin hôm 28/2, dưới hàng tít “Hãng bán dẫn gây tranh cãi ở Vũ Hán sa thải mọi nhân viên, dấu hiệu thất bại hoàn toàn”.

Tin tức này cũng được các trang tin khác gồm South China Morning Post, Business Korea và Telecoms loan tải trong những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Global Times và South China Morning Post cho biết có tới 240 người sẽ mất việc ở Công ty Sản xuất Chất Bán dẫn Wuhan Hongxin, còn gọi tắt là HSMC.

Công ty đặt tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nói trong một thông báo rằng họ “không có kế hoạch nối lại hoạt động sản xuất”. Các nhân viên cho báo chí biết họ không được đền bù gì và cũng không được giải thích về lý do đóng cửa, theo Global Times và South China Morning Post.

Vẫn hai trang tin này cho hay HSMC là một thành phần trong kế hoạch đầu tư của chính quyền địa phương và bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2017. Dự án được đầu tư với số tiền 18,5 tỷ đô la, theo trang Telecoms.

Dự án nhắm đến sản xuất các đĩa bán dẫn với công nghệ logic tiên tiến có các kích thước 7 nanomét và 14 nanomét (1 nanomét bằng 1 phần tỷ mét), theo giới hữu trách ở thời điểm khai trương công ty.

Mỗi dây chuyền sản xuất của hãng dự kiến làm ra 30.000 sản phẩm mỗi tháng, và khi chạy hết công suất, hãng có thể tạo ra 50.000 việc làm trực tiếp hoặc gián tiếp, với sản lượng hàng năm đạt trị giá 9,25 tỷ đô la.

Tuy nhiên, trái với dự kiến, trên thực tế, tình trạng dự án bết bát đến nỗi HSMC phải cầm cố một máy quang khắc mua của hãng Hà Lan ASML để vay ngân hàng 89,6 triệu đô la vào cuối năm 2019.

Đến giữa năm 2020, dự án bị đình trệ vì thiếu tiền, Global Times cho biết. Còn theo South China Morning Post, dự án bị đình chỉ khi tòa án địa phương phong tỏa phần lớn lô đất của dự án khi tổng thầu vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.

Trung Quốc có hơn 10 dự án lớn về sản xuất chip bị thất bại trong 2 năm qua.
Trung Quốc có hơn 10 dự án lớn về sản xuất chip bị thất bại trong 2 năm qua.

Fuliang, một chuyên gia về ngành viễn thông làm việc ở Bắc Kinh, nói với Global Times rằng thất bại của dự án lớn này có một phần nguyên nhân là do vội vã khai trương trong khi không lên kế hoạch kỹ lưỡng, có hệ thống, cũng như không nghiên cứu sâu trước khi đầu tư.

Dự án HSMC bị thất bại là đòn mới nhất giáng vào tham vọng của Trung Quốc về tự lực tự cường trong sản xuất chip, bản tin của South China Morning Post viết.

Trung Quốc lâu nay lệ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ, nhưng khi xảy ra căng thẳng thương mại và có các lệnh cấm đoán giữa hai nước, các hãng công nghệ Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cấu phần, linh kiện mà họ cần, vẫn theo phóng sự của South China Morning Post. Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, Trung Quốc đã nhắc lại sự cần thiết phải tự chủ về công nghệ.

HSMC không phải là dự án về chất bán dẫn đầu tiên của Trung Quốc bị thất bại. Nhiều nỗ lực khác của nước này nhằm phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn cũng đã không đi đến đâu do lập kế hoạch kém và các vấn đề tài chính.

Sau khi có tới hơn 10 dự án lớn về chất bán dẫn do chính phủ chống lưng vỡ tan thành mây khói chỉ trong 2 năm qua, Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường giám sát việc mở các dự án mới trong ngành này.

Nữ phát ngôn viên của NDRC Meng Wei nói rằng cơ quan hoạch định kinh tế này sẽ làm việc với các bộ để giám sát tốt hơn các dự án về chất bán dẫn và ngăn chặn lãng phí nguồn lực.

Trung Quốc nhập khẩu số lượng chip có trị giá lên tới 350 tỷ đô la trong năm 2020, tăng 14,6% so với năm trước, theo số liệu hải quan, South China Morning Post cho hay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG