Đường dẫn truy cập

Trung Quốc âm thầm xây trại tị nạn dọc biên giới với Triều Tiên


Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng cạnh sông Tumen, biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng cạnh sông Tumen, biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Trung Quốc đang âm thầm xây dựng một mạng lưới trại tị nạn dọc theo biên giới dài 1.416 km với Triều Tiên nhằm đón đầu một cuộc di cư tiềm tàng do xung đột hoặc do chế độ Kim Jong-un sụp đổ.

Báo New York Times, tờ Guardian và một số hãng tin quốc tế khác cho biết 3 làng thuộc quận Changbai và 2 thành phố của tỉnh Jilin đã được chọn làm nơi xây dựng trại tị nạn. Thông tin này được trích từ tài liệu của một công ty truyền thông nhà nước Trung Quốc, China Mobile, công ty dường như được giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ internet cho 5 địa điểm này.

Tài liệu bị rò rỉ của China Mobile đã được đăng trên mạng truyền thông xã hội và các trang web ở nước ngoài của Trung Quốc từ tuần trước.

Tài liệu nói: “Do căng thẳng qua biên giới... đảng Cộng sản và chính quyền quận Changbai đã đề xuất lập năm trại tị nạn trong quận”. Tờ Guardian cho biết họ không thể kiểm chứng tài liệu này một cách độc lập.

Hôm thứ Hai, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng, nói ông không biết về kế hoạch xây trại tị nạn, nhưng không phủ nhận sự tồn tại của chúng.

“Tôi chưa từng nhìn thấy có báo cáo như vậy”, ông Lục Khảng nói.

Câu hỏi đáp này cũng đã được xóa khỏi bản đăng chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc họp báo. Điều này được cho là chuyện thường xảy ra đối với các chủ đề được coi là nhạy cảm về chính trị do các nhà báo nước ngoài đặt ra.

Hai thành phố Tumen và Hunchun của Trung Quốc vốn đã có nhiều cư dân gốc Triều Tiên. Tuy nhiên, khó xác định có bao nhiều người Triều Tiên sống tại Trung Quốc vì họ thường sống bất hợp pháp. Con số ước tính trong khoảng 30.000 đến 200.000 người.

Cả 5 địa điểm quy hoạch trại tị nạn đều nằm dọc theo sông Tumen, giáp ranh với Triều Tiên. Hầu hết những người đào thoát từ Triều Tiên đều sử dụng con đường này để trốn, sau đó đi qua biên giới phía Bắc của Triều Tiên, băng qua Trung Quốc và xuống vùng Đông Nam Á. Từ đó, điểm đến của họ thường là Hàn Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG