Đường dẫn truy cập

Triều Tiên phóng tên lửa, thách thức Biden, gây quan ngại cho Nhật trước Thế vận hội


Tư liệu- Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un quan sát vụ bắn tên lửa từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/07/2019, Ảnh chụp lại từ truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV.
Tư liệu- Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un quan sát vụ bắn tên lửa từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/07/2019, Ảnh chụp lại từ truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV.

Triều Tiên phóng hai tên lửa bị nghi là tên lửa đạn đạo vào vùng biển gần Nhật Bản hôm thứ Năm, nêu bật tiến bộ liên tục trong chương trình vũ khí của nước này, đồng thời tăng sức ép lên chính quyền mới của Hoa Kỳ giữa lúc Washington đang duyệt lại chính sách Triều Tiên của Mỹ.

Các cuộc thử nghiệm đã được nhà chức trách Mỹ, Hàn và Nhật báo cáo, trùng với thời điểm bắt đầu rước đuốc Olympic tại Nhật Bản.

Đây sẽ là vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên trong gần một năm, và cũng là lần đầu được báo cáo kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức vào tháng 1 năm 2021.

Giới phân tích nhận định các vụ thử tên lửa mới nhất không có nghĩa là ngoại giao để phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã chết, nhưng chúng nêu bật một sự thật bất tiện đối với chính quyền Mỹ: đó là kho vũ khí của Triều Tiên đang phát triển, đặt ra mối đe dọa mới và tăng khả năng thương lượng của Bình Nhưỡng khi tiếp tục đàm phán.

Các vụ phóng tên lửa hôm thứ Năm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên phóng đi nhiều tên lửa hành trình trong một cuộc tập trận mà theo ông Biden, không phải để khiêu khích mà là "hoạt động bình thường như mọi ngày".

Các quan chức Mỹ trước đây đã cho biết là chính quyền Biden đang ở trong giai đoạn cuối của tiến trình duyệt xét lại chính sách đối với Triều Tiên, và cùng lúc ra một số tín hiệu cứng rắn về nhân quyền, phi hạt nhân hóa và các biện pháp chế tài, đồng thời ra các tuyên bố ngoại giao đã bị Bình Nhưỡng từ chối.

Ông Markus Garlauskas, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương kiêm giới chức Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ chuyên về các vấn đề Triều Tiên, nói: “Sẽ là một sai lầm đối với Mỹ nếu làm ngơ những tiến bộ về phi đạn tầm ngắn của Triều Tiên, đặc biệt sau khi lãnh tụ Kim Jong Un tuyên bố hồi tháng 1 rằng quân đội của ông ta sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và gắn các đầu đạn này vào các vũ khí chiến thuật”.

Các vụ phóng thử tên lửa “nêu bật mối đe dọa mà chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên gây ra đối với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố.

Bộ Tư Lệnh cho biết họ đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến của các đồng minh. Không có bình luận chính thức nào từ Tòa Bạch Ốc hoặc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các vụ phóng thử tên lửa này.

Thông thường Triều Tiên thường xác nhận các vụ thử tên lửa trên các phương tiện truyền thông nhà nước một ngày sau khi chúng xảy ra. Bình Nhưỡng nói các cuộc thử nghiệm đó là một phần trong quyền chủ quyền của họ để tự vệ.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết tên lửa đầu tiên được phát hiện ngay sau 7 giờ sáng, bay được khoảng 420 km (260 dặm), tên lửa kế tiếp được phóng đi sau đó 20 phút, bay xa khoảng 430 km.

Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc báo cáo có hai "tên lửa tầm ngắn" được phóng đi từ bờ biển phía đông Triều Tiên vào vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Các cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang phân tích các dữ liệu của vụ phóng để tìm thêm thông tin, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.

“Vụ phóng tên lửa đầu tiên trong gần một năm thể hiện một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định ở Nhật Bản cũng như trong khu vực, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói trên làn sóng của đài truyền hình quốc gia NHK.

Ông Suga nói ông sẽ đảm bảo một Thế vận hội an toàn và an ninh”, và cho biết sẽ thảo luận về các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Washington vào tháng tới.

Nhật Bản đã chính thức phản đối hành động của Bình Nhưỡng thông qua đại sứ quán của họ ở Trung Quốc, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Seoul, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói “duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu của toàn nhân loại”.

Bà Hoa nói:

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan hãy tương nhượng và tiếp tục duy trì tình hình giảm căng thẳng để thúc đẩy một giải pháp chính trị, đồng thời dồn nỗ lực làm việc vì hòa bình và an ninh lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG