Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái Lan viện đến luật về thiên tai vào lúc lụt tràn tới Bangkok


Dân ngoại ô Bangkok, Thái Lan đang phải đối phó với nước lụt
Dân ngoại ô Bangkok, Thái Lan đang phải đối phó với nước lụt

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã viện đến các quyền dân sự đặc biệt được dành riêng theo bộ luật về thiên tai của nước này vào lúc dân chúng ở Bangkok chuẩn bị đối phó với nước lụt. Các biện pháp của Thủ tướng nhằm tăng hiệu lực cho các hoạt động cứu trợ lụt được đưa ra sau những lời chỉ trích việc chính phủ bà xử lý vụ khủng hoảng.

Hôm nay, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã viện dẫn bộ luật năm 2007 về ngăn ngừa và giảm thiểu thiên tai dành cho bà toàn quyền truy tố các giới chức về tội bất cẩn nếu họ không theo đúng các chỉ thị.

Quyết định này được đưa ra sau nhiều ngày bà bị chỉ trích về sự đáp ứng của chính quyền 2 tháng tuổi đối với thiên tai lũ lụt ngày càng trầm trọng, vụ lụt tệ hại nhất từ 5 thập niên nay.

Liên Hiệp Quốc hôm nay cho hay 342 người đã thiệt mạng và gần 2 triệu rưỡi người bị ảnh hưởng vì lũ lụt chỉ riêng ở Thái Lan. 336 người khác thiệt mạng ở Kampuchea, Việt Nam, và Lào, nơi gần 2 triệu người bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Thái cho hay quân lực cũng đã được lệnh tăng cường bảo vệ các đền đài và cao ốc chính ở Bangkok, kể cả các đơn vị điện nước của Hoàng cung và các phi trường lớn.

Ông Kokaew Pikulthong, một thành viên chính phủ thuộc đảng Pheu Thai, nói rằng Thủ tướng Yingluck đã coi việc áp đặt quyền của bà như một thách thức, nhất là khi chính phủ mới chỉ nắm quyền từ tháng 8. Ông Kokaew cũng nói đã có khó khăn ở một vài nơi mà dân chúng cưỡng lại những lời kêu gọi để nước chảy qua các khu vực cộng đồng.

Ông Kokaew nói Thủ tướng Yingluck chưa quen với lề lối công chức, bà không biết ai là người có khả năng, ai là người chịu trách nhiệm. Bà không biết rõ những người này, vì thế khi bà có một kế hoạch hoặc muốn làm một điều gì đó, thì bà không làm được. Tôi đã nói rằng bà gắng hết sức giải quyết vấn đề nhưng nhiều chức năng hoặc nhiều toán công tác mà bà có không hoạt động tốt như bà muốn, và đó là vấn đề.

Theo ông Kokaew, có những khó khăn trong việc phân bổ ngân quỹ và ông chỉ trích các khu vực của quân lực là đã không cung cấp đủ nhân viên khi được điều động để cứu trợ lụt khẩn cấp.

Các giới chức nay đang chật vật tìm cách ngăn chặn tình trạng lụt nặng ở thành phố thủ đô, nằm giữa hàng triệu mét khối nước từ vùng đồng bằng miền trung và nơi đến cuối cùng trong Vịnh Thái Lan.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy sự bất mãn đối với cách thức chính phủ đáp ứng với vụ khủng hoảng, nhất là những tuyên bố trái ngược nhau của các giới chức về nguy cơ đối với các cộng đồng và sự chậm trễ trong việc báo động dân địa phương về làn nước dâng cao.

Ông Buranaj Smutharak, một thành viên của đảng Dân chủ đối lập, nói rằng sự thiếu kinh nghiệm trong chính phủ đã là một yếu tố chính cho các vấn đề.

Ông Buranaj nói thực ra không phải là chính trị mà là sự thiếu kinh nghiệm nơi chính phủ hiện thời và sự thất bại trong việc xử lý thích đáng vụ khủng hoảng lụt lội này. Ngay từ khi cảnh báo ban đầu do Bộ Tưới tiêu đưa ra, ban chỉ huy trung ương của chính phủ đã không đánh giá được các dữ liệu sẵn có, không tiến hành các biện pháp trừng phạt và thông tin liên lạc hữu hiệu với công chúng.

Ông Thitinan Ponsudhirak, một khoa học gia chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn, cũng đổ lỗi cho các vấn đề cơ chế bên trong chính phủ, như quyền hành chồng chéo và các cơ quan không được tổ chức để hợp tác với nhau.

Chuyên gia này cho rằng ở một nơi thiếu sự phối hợp về chính sách như Thái Lan, thường xảy ra xung đột triền miên giữa các cơ quan, thì các thiên tai lụt lội như thế này có phần chắc sẽ gây tác động nghiêm trọng. Và bà Yingluck lại thiếu tài lãnh đạo. Bà có những điểm mạnh và những điểm yếu. Điểm mạnh là bà có tính khí tốt, nhưng bà lại thiếu cả quyết trong một thời điểm như thế này.

Bộ Công nghiệp cho hay hơn 14.000 nhà máy đã bị ảnh hưởng của lụt lội, kể cả các cơ sở công nghiệp quan trọng, với hơn 600.000 công ăn việc làm bị thất thoát. Tăng trưởng kinh tế thường niên đã bị cắt giảm và Ngân hàng Thế giới đang dự báo tăng trưởng âm cho quý chót của năm 2011.

Kinh tế gia Somphob Manarungsan nói rằng cách xử lý của chính phủ về phục hồi sau nạn lụt sẽ là một yếu tố chủ chốt cho sự ủng hộ lâu dài của dân chúng.

Nhà kinh tế này cho rằng sau khi nạn lụt lắng dịu sẽ có vấn đề tái thiết. Và việc này quan trọng hơn nhiều. Nếu chính phủ có một chính sách rõ ràng, chính sách đúng đắn thì chính phủ vẫn có thể quy tụ được một phần nào sự ủng hộ, nhưng rốt cuộc nếu họ không xử lý được vụ khủng hoảng sau lụt lội thì ông nghĩ tính khả tín của họ sẽ bị ảnh hưởng một cách tiêu cực.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng có thể phải mất tới 6 tuần nước lụt mới rút hẳn, với thiệt hại kinh tế lên tới gần 6 tỷ đôla. Nhưng các kinh tế gia hy vọng việc chính phủ chi tiêu thêm cho công cuộc phục hồi sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào đầu năm 2012.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG