Đường dẫn truy cập

‘Tôi đi cách ly để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng’


Chính quyền Hà Nội khử trùng đường phố sau khi bệnh nhân 17 được xác nhận dương tính với virus corona
Chính quyền Hà Nội khử trùng đường phố sau khi bệnh nhân 17 được xác nhận dương tính với virus corona

Một người dân phố Trúc Bạch, Hà Nội, phải đi cách ly vì bị nghi nhiễm virus corona, nói với VOA rằng ông ‘hài lòng’ với điều kiện cách ly mặc dù có buồn chán, đồng thời nói ông ‘tin tưởng’ vào khả năng phòng dịch của chính quyền Việt Nam.

Hàng trăm người dân sống gần khu vực phố Trúc Bạch, nơi cô N. H. N., bệnh nhân Covid-19 thứ 17 của Việt Nam sinh sống, đã được yêu cầu đi cách ly ngay trong đêm 6/3 sau khi cô N. H. N. được xác nhận là dương tính với virus corona. Ca bệnh thứ 17 này đã phá vỡ chuỗi ngày dài của Việt Nam không có ca bệnh mới, dẫn đến một chuỗi liên tiếp các nhiễm mới ở quốc gia này.

Cho đến giờ, chỉ riêng ở Hà Nội, tâm điểm của đợt bùng phát mới nhất này, đã thực hiện cách ly gần 2.600 người, theo số liệu báo mạng VnExpress đưa ra. Theo đó, các cơ sở quân sự, trại lính, các bệnh viện đều được trưng dụng làm cơ sở cách ly.

Ông Phạm Quang Long, một cư dân khu Trúc Bạch có nhà phía sau tư gia của bệnh nhân số 17, đã kể cho VOA nghe về trường hợp đi cách ly của ông mà ông gọi là ‘thực hiện trách nhiệm xã hội’.

‘Tìm cách trốn’

Ông cho biết ngay sau khi biết tin mình sẽ bị cách ly, ý nghĩ đầu tiên trong đầu ông là ‘tìm cách trốn’.

“Một số bạn bè cũng nói với tôi rằng ‘Mày né đi’, ‘Mày trốn đi’. Nhưng khoảng chừng 30 phút sau, có người bên Ủy ban Y tế Quận Ba Đình gọi điện cho tôi. Lúc đó tôi hiểu rằng tình hình thực sự nghiêm trọng nên nếu mình muốn trốn cũng khó,” ông kể.

Ông nói ông đã giải thích với nhà chức trách rằng nguy cơ bị lây nhiễm của ông là ‘rất thấp’ vì ông không gặp bệnh nhân 17 bao giờ và xin được cách ly tại nhà thay vì bị đưa đi cách ly tập trung.

“Nhưng người ta giải thích với tôi rất rõ ràng rằng đó là quy định,” ông nói và cho biết ông được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

“Tôi bảo với họ rằng hãy để tôi sắp xếp công việc xong thì tôi sẽ về đi cách ly, họ trả lời là được,” ông Long, vốn là chủ nhà hàng Oak Wines ở Hà Nội, kể.

“Đến nửa đêm thì tôi mới về đến nhà để chuẩn bị hành lý đi cách ly,” ông nói thêm và cho biết ông bị công an phường chặn ngoài phố Trúc Bạch không cho vào cho đến khi ông trình giấy tờ chứng minh ông là cư dân trong phố.

“Đến 2 giờ sang tôi gọi lại cho họ. Chừng 10 phút sau thì có xe y tế đến đón.”

Theo lời ông Long thì điều kiện cách ly ở Bệnh viện Nhiệt đới ‘khiến ông ngạc nhiên’.

“Phòng ốc rất mới, rất đẹp, chăn, ga, nệm đầy đủ hết nhưng không có gối. Có Wifi thoải mái. Có điều hòa nhưng bác sỹ nói là không nên mở mà phải mở toang hết các cửa cho thoáng,” ông Long kể.

Ông cho biết là ông được cung cấp đồ dùng cá nhân và phục vụ cơm nước ‘đầy đủ’ và được cấp một chai nước suối 1,5 lít.

‘Miễn phí’

“Tôi được phát khẩu trang, cặp nhiệt độ, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng,” ông nói và cho biết các bữa ăn mà ông được phục vụ ‘ngon như cơm nhà’.

“Cơm nóng ấm, có món xào, món canh, món mặn, thật sự ngon,” ông nói. “Còn ăn sáng thì họ cho ăn bún hoặc phở.”

Về chăm sóc y tế, ông Long cho biết ngay sau khi vào, ông phải khai báo về y tế và đến sáng hôm sau có người được lấy dịch họng, dịch mũi để làm xét nghiệm.

Đến chiều cùng ngày, bác sỹ có thông báo ông cùng những người khác chuyển đến ‘phòng chung’ còn ‘phòng riêng chỉ dành cho nhóm bệnh nhân có nghi ngờ cao’.

“Bác sỹ nói là ‘an toàn’ rồi và chúng tôi được đưa xuống khu dưới nơi không chuẩn bị sẵn hệ thống máy thở”

Khi được hỏi về khả năng lây nhiễm chéo nếu có người nhiễm bệnh trong điều kiện cách ly tập trung như vậy, ông Long cho biết ‘tất cả mọi người đều cách nhau tối đa 2 mét và còn được yêu cầu phải đeo khẩu trang cả ngày trừ khi ăn’.

“Bác sỹ không coi tôi là bệnh nhân. Tôi được quyền hút thuốc, được quyền uống rượu. Nhưng bác sỹ nói rằng không nên ra ngoài hành lang vì có nhiều người ở đấy. Chừng nào mệt mỏi quá thì mới nên đi ra,” ông kể.

Ông cho biết lúc đầu ông có chuẩn bị đem theo một số tiền mặt nhưng đến nơi thì mới biết ‘tất cả hoàn toàn không mất tiền’.

Về mức độ ảnh hưởng đối với công việc, người chủ nhà hàng này cho biết ông có thể quản lý công việc thông qua mạng Internet.

“Mặc dù không sâu sát được 100% nhưng cũng được 70-80%. Vả lại tôi làm nghề dịch vụ, mùa dịch cũng không có nhiều khách để quá lo lắng.”

‘Không quá đà’

Khi được hỏi biện pháp cách ly đối với ông có ‘quá đà’ vì ông thuộc nhóm nguy cơ thấp – chưa từng tiếp xúc với ca bệnh thứ 17 cũng như rất ít gặp hàng xóm (theo lời ông thì ông thường về nhà rất khuya và sáng đi làm chứ không nói chuyện với ai), ông nói Việt Nam tất cả mọi thứ được như bây giờ (kiểm soát được dịch) là ‘nhờ biện pháp quyết liệt’.

“Tôi biết là cách ly tôi như vậy, phòng ốc như vậy, người phục vụ như vậy, cả trăm con người bị cách ly như vậy thì chi phí rất là cao và hoàn toàn chính phủ trả,” ông giải thích. “Nhưng mình không biết thế nào là làm quá hay không. Nếu như bỏ sót một người bệnh khiến bệnh lây lan thì chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.”

Ông nói rằng trong điều kiện tù túng như thế thì ông ‘cảm thấy chán chường’, ‘rất oải vì chỉ nằm suốt’ và ‘cảm thấy thời gian rất dài’.

Ông cho biết do dự trù trước thời gian cách ly sẽ kéo dài nên ông có đem theo ‘rượu, đàn’ và ‘người nhà có gửi trà, cà phê vào’ để cho ông có thể giết thời gian.

“Không ai muốn bị bó buộc như vậy hết, nhưng đối với tôi đó là trách nhiệm với cộng đồng nên phải làm,” ông nói.

Ông cho biết đến hôm sau khi mọi việc đã ổn thì ông mới gọi điện báo cho vợ con ông hiện đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh ‘để mọi người được yên tâm’.

‘Tin vào chính quyền’

Về quyết tâm của chính quyền trong việc phòng chống dịch bệnh, ông Long nói ông ‘rất tin’.

“Cái gì khác thì có thể tôi không tin nhưng riêng việc chống dịch bệnh thì tôi rất tin chính quyền,” ông nói và dẫn ra các đợt bùng phát dịch khác mà Việt Nam đều đã từng đẩy lùi như dịch SARS và dịch cúm gia cầm.

“Ngay cả dịch SARS cách nay 17 năm thì Việt Nam là nước đầu tiên dập được dịch,” ông dẫn chứng những lý do khiến ông tin tưởng. “Đến nay chưa có ai tử vong (vì Covid-19 ở Việt Nam). Chỉ sau thời gian ngắn chính quyền có thể truy ra bao nhiêu người đã đi cùng, đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính.”

Ông giải thích là do mô hình chính quyền Việt Nam nên ‘người dân dễ dàng chấp thuận khi bị buộc cách ly’.

“Chính phủ Việt Nam đã có quá nhiều bài học về dịch bệnh nên họ đã xây dựng hệ thống phòng dịch chặt chẽ từ làng xã,” ông nói thêm. “Một xã có bao nhiêu dân đâu nên có cái gì đó xảy ra thì cách ly và xử lý được ngay.”

Khi được hỏi công tác cách ly có chỗ nào không tốt, ông Long nói ‘có phòng có tivi, có phòng không’. “Điều đó dẫn đến cảm giác hơi bị ganh tị với nhau,” ông nói.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng bác sỹ không nên nói là an toàn sau kết quả xét nghiệm ban đầu là âm tính. “Nếu nói như vậy thì mọi người tưởng rằng có thể phá bỏ những quy tắc phòng dịch vì âm tính chưa chắc hoàn toàn âm tính mà phải đợi 14 ngày sau mới biết được,” ông giải thích.

Ông đề xuất là nên tránh dùng từ ‘cách ly’ vì từ đó ‘gợi lên cảm giác rất nặng nề’.

“Giống như là cách ly xã hội đối với những người tù tội khiến chúng tôi có cảm giác tội lỗi gì đó. Ai cũng có cảm giác sợ hãi, e dè, nên giấu kín với mọi người xung quanh,” ông giải thích.

“Nên chăng gọi là ‘thực hiện trách nhiệm cộng đồng’ thì người bị cách ly cũng cảm thấy thoải mái hơn vì họ sẽ không có cảm giác là người có thể gây họa cho cộng đồng.”

Khi được hỏi ông có oán trách người hàng xóm của ông là bệnh nhân thứ 17 vốn khiến cho ông và nhiều người khác bị vạ lây, ông nói: “Oán trách là đương nhiên nhưng đó không phải là sự cố ý. Dịch bệnh không thể kiểm soát hết được. Không có cô N. này thì sẽ có cô N. khác.”

“Bây giờ có làm gì cô ấy thì cũng không giải quyết được gì hết. Còn nếu xem xét trách nhiệm thì đó là việc của pháp luật,” ông nói.

Ông nói rằng bất cứ người nào có khả năng nhiễm bệnh ‘hãy thành thật khai báo y tế và chịu cách ly’ vì đó ‘trách nhiệm với cộng đồng’ ở bất kỳ nước nào.

VOA Express

XS
SM
MD
LG