Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên kỷ niệm 60 năm cuộc Chiến tranh Triều Tiên


Các thành viên của Hội Cựu chiến binh Nam Triều Tiên
Các thành viên của Hội Cựu chiến binh Nam Triều Tiên

Tại một buổi lễ nghiêm trang trong một sân vận động Olympic, Nam Triều Tiên đã tuyên dương các binh sĩ và đồng minh chiến đấu dưới lá cờ Liên hiệp quốc.

Các đơn vị tác chiến và yểm trợ của 21 nước đã đến sau khi lực lượng Bắc Triều Tiên băng qua biên giới vào miền Nam vào ngày 25 tháng 6 năm 1950.

Phát biểu với các cựu chiến binh, Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak nói mục tiêu tối hậu của nước ông không phải là một cuộc đối đầu quân sự khác với miền Bắc, mà là hòa bình.

Tổng thống Lee nói để đạt được mục tiêu ấy, Bắc Triều Tiên phải đình chỉ các hành động khiêu khích quân sự bừa bãi, tỷ như vụ đánh chìm chiếc tàu chiến Cheonan cách đây ba tháng, làm 46 thủy thủ Nam Triều Tiên thiệt mạng.

Tổng thống Nam Triều Tiên kêu gọi Bình Nhưỡng thú nhận rõ ràng việc đánh đắm chiếc tàu, và tỏ thái độ có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.

Vụ việc ngày 26 tháng 3 đã làm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên phủ nhận việc can dự vào vụ này và cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào của Liên hiệp quốc nhằm trừng phạt họ sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.

Theo dự kiến, Tổng thống Lee sẽ thảo luận về đáp ứng của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước vụ Cheonan này vào ngày thứ Bảy bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Canada.

Trong khi đó, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ trở lại Nam Triều Tiên dự lễ kỷ niệm này cho rằng việc Seoul tuyên dương công trạng của đồng minh trước công chúng là quá muộn.

Ông Robert Fletcher là một trong các cựu chiến binh này. Oâng đến Triều Tiên vào năm 1950 lúc còn là một binh nhất 17 tuổi cùng Trung đoàn 24 Bộ binh, một đơn vị toàn binh sĩ Mỹ gốc Phi châu. Ông Fletcher vẫn còn cay đắng về việc các thành tích của đơn vị của ông bị áp đảo về quân số tại Busan đã bị lu mờ trong lịch sử bởi vụ phản công sau đó của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Ông Fletcher nói: “Chúng tôi đã triệt hạ được 3 đơn vị Bắc Triều Tiên rồi trở lại vị trí. Mọi người không hiểu được điều đó. Nếu chúng tôi không cố thủ, thì Thủy quân lục chiến sẽ không bao giờ đổ bộ được ở Incheon.”

Ông Fletcher sau đó đã bị Bắc Triều Tiên bắt và bị giữ làm tù binh chiến tranh trong 33 tháng.

Điều dường như có tác động sâu xa đến các cựu chiến binh đã trở về là cung cách mà Nam Triều Tiên đã tái thiết và trở nên cường thịnh đến thế. Hiện họ là nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á.

Ông Joseph O’Brien là một binh nhất Lục quân Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Triều Tiên.

Ông O’Brien nói: “Mọi chuyện hoàn toàn khác hẳn những gì tôi còn nhớ. Khi tôi ở đây, chẳng có gì cả. Mọi thứ đều tan hoang. Chẳng có gì ngoài những con đường đất. Mọi thứ bây giờ thật là hiện đại. Thật là tuyệt vời.”

Hoa Kỳ đã phái gần 1 triệu 800 ngàn bộ binh, thủy thủ và không quân đến Triều Tiên trong thời chiến tranh, khiến Hoa Kỳ trở thành thành viên lớn nhất trong liên minh 21 quốc gia. Hơn 36.000 người Mỹ đã tử trận.

Nhưng người dân Triều Tiên chịu nhiều đau khổ nhất với khoảng 2 triệu rưởi người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh kéo dài 37 tháng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG