Đường dẫn truy cập

Sau 60 năm chiến tranh Triều Tiên vẫn còn là thách thức của Hoa Kỳ


Các cựu chiến binh Hoa Kỳ đến nghĩa trang quốc gia của Nam Triều Tiên ở Seoul hôm 23/6/2010 để tưởng niệm các bạn đồng ngũ bỏ mình trong cuộc chiến Triều Tiên
Các cựu chiến binh Hoa Kỳ đến nghĩa trang quốc gia của Nam Triều Tiên ở Seoul hôm 23/6/2010 để tưởng niệm các bạn đồng ngũ bỏ mình trong cuộc chiến Triều Tiên

Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 nhưng tình trạng thù nghịch giữa Bắc Triều Tiên với Nam Triều Tiên, hay với Hoa Kỳ, vẫn chưa chấm dứt. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Kate Woodsome thì từ nhiều thập niên nay Hoa Kỳ đã phải vất vả để tìm cách giải quyết những căng thẳng do cuộc chiến tranh này để lại.

Trong buổi lễ tưởng niệm chiến sĩ bỏ mình trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hôm thứ Sáu, Đại tướng Walter Sharp, Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Triều Tiên đã đưa ra lời kêu gọi quen thuộc:

“Hòa bình thật sự không thể tồn tại khi Bắc Triều Tiên vẫn sử dụng tới võ lực. Vì thế chúng tôi yêu cầu Bắc Triều Tiên chấm dứt các vụ khiêu khích và những hành động gây hấn khác.”

Đại tướng Sharp cảnh cáo rằng, những hành động khiêu khích thêm nữa sẽ bị đối phó mau lẹ và quyết liệt.

Lời cáo buộc của chính phủ Seoul, Bắc Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của họ hồi tháng Ba, một lần nữa gây lo ngại về tình trạng ổn định trong vùng.

Đây cũng là một tình huống tương tự mà Hoa Kỳ đã gặp phải trước đây. Hồi năm 1969, quân đội Bắc Triều Tiên đã bắn hạ một phi cơ trinh sát của Hoa Kỳ trên vùng biển Nhật Bản khiến các chiến lược gia quốc phòng phải đột ngột đưa ra một đáp ứng.

Mới đây, những hồ sơ được giải mật tại Văn Khố An Ninh Quốc Gia ở thủ đô Washington cho thấy vào lúc đó cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã xét tới việc mở một cuộc chiến tranh toàn diện, sử dụng võ khí hạt nhân chiến thuật.

Ông Robert Wampler, giáo sư trường đại học George Washington nhớ lại Tổng thống Nixon đã mau chóng chứng tỏ sự hiện diện của của Hoa Kỳ ở trong vùng:

“Tổng Thống Nixon đã quyết định mở lại các chuyến bay trinh sát, có phi cơ chiến đấu hộ tống, với mục đích cảnh cáo Bắc Triều Tiên là nếu chuyện này xảy ra một lần nữa thì sự đáp ứng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.”

Vừa mới đắc cử, Tổng thống Nixon cùng những cố vấn của ông, trong đó có Cố vấn Henry Kissinger, đã đưa ra ít nhất hai chục kế hoạch tấn công quân đội Bắc Triều Tiên.

Một kế hoạch có danh hiệu Fresh Storm nhằm hủy diệt không lực của Bình Nhưỡng. Một kế hoạch khác mang tên Freedom Drop, sử dụng võ khí hạt nhân chiến thuật ở mức hạn chế nhắm vào các bộ chỉ huy, các phi trường, và các căn cứ hải quân.

Lúc ban đầu, tổn thất nhân mạng được ước tính là tương đối khiêm tốn, từ một trăm tới vài ngàn thường dân thiệt mạng. Nhưng giáo sư Wampler nói rằng, sau đó nhóm cố vấn của ông Nixon nhận ra rằng tấn công các mục tiêu Bắc Triều Tiên có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn là họ mong muốn.

“Cuối cùng thì người ta thấy rằng nguy cơ dẫn đến một vụ xung đột lớn hơn và thậm chí một cuộc chiến tranh có vẻ sẽ lớn hơn bất cứ lợi ích nào có thể có được.”

Tổng thống Nixon và các cố vấn của ông cuối cùng đã không chọn lựa hành động quân sự nào, và đường lối ngoại giao là chọn lựa duy nhất.

Từ đó tới nay các tổng thống Hoa Kỳ đã nhiều lần áp dụng đường lối đó. Sau khi Bắc Triều Tiên thí nghiệm võ khí hạt nhân vào những năm 2006 và 2009, các phân tích gia nói rằng, các chiến lược gia Hoa Kỳ đã tranh luận về vấn đề có nên kiềm chế Bắc Triều Tiên bằng võ lực hay không.

Nhưng chung cuộc, những vụ khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã được giải quyết bằng các biện pháp trừng phạt tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Giáo sư Wampler của trường đại học George Washington nói rằng, kể từ đó, hành động quân sự đã trở thành biện pháp ít được nghĩ tới, trước sự gia tăng sức mạnh quân sự ngày càng nhiều hơn của Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên nói rằng, chương trình hạt nhân của họ là một lợi khí quốc phòng then chốt của họ để chống lại điều mà họ gọi là chính sách thù nghịch của Hoa Kỳ đối với họ.

Bắc Triều Tiên đã rút ra khỏi hội nghị quốc tế về võ khí hạt nhân và không có dấu hiệu nào tỏ ra là họ sẽ trở lại bàn hội nghị.

Mặc dầu tình hình chính trị thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 60 năm qua, vụ giằng co với Bắc Triều Tiên có vẻ vẫn còn bế tắc vào lúc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG