Đường dẫn truy cập

Singapore: Phủ sóng tiêm chủng nhưng lây nhiễm và tử vong COVID vẫn tăng


Người dân xếp hàng xét nghệm COVID-19 tại Singapore, ngày 21/9/2021.
Người dân xếp hàng xét nghệm COVID-19 tại Singapore, ngày 21/9/2021.

Tại đất nước Singapore thịnh vượng, hiện chỉ còn một ít người chưa tiêm chủng sau khi một chiến dịch triệt để hoàn thành được độ phủ sóng tiêm chủng mà nhiều nước phải ganh tị, nhưng mức tăng kỷ lục về tử vong và lây nhiễm cho thấy rủi ro vẫn còn phía trước.

Dù bắt buộc mang khẩu trang, hạn chế xã hội nghiêm ngặt và các mũi tiêm tăng cường dồi dào nhưng đợt dịch mới nhất ở Singapore do biến thể Delta gây ra đã nâng số tử vong lên thành 280 ca, từ con số 55 ca hồi đầu tháng 9.

“Singapore có thể đang bị từ hai tới ba đợt dịch trong lúc các biện pháp ngày càng được nới lỏng,” ông Alex Cook, một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói.

“Số người chết có lẽ vẫn tiếp tục tăng, trừ phi những cư dân lớn tuổi chưa tiêm chủng có thể được chích ngừa hay có thêm nhiều người nữa được tiêm tăng cường.”

Ông Cook hy vọng đợt lây nhiễm hiện nay sẽ dịu xuống khi dân số ngày càng có miễn dịch và hầu hết các ca nhiễm chỉ nhẹ đủ để bình phục tại gia.

Singapore là một trong số vài nước theo chính sách ‘Zero COVID’ áp dụng một số biện pháp gắt gao nhất để kiềm chế lây nhiễm và tử vong.

Singapore có sách lược chờ tới khi đại đa số trong 5,5 triệu dân của họ được tiêm chủng mới dần nới lỏng những hạn chế và tái tục thêm những hoạt động kinh tế.

Hiện nay Singapore đang từ từ mở lại biên giới, mở rộng du hành không cách ly cho gần một chục nước. Úc và New Zealand đã bắt đầu có những chuyển hướng tương tự, trong khi Trung Quốc chưa tiến tới.

Tuy nhiên vấn đề nhà cầm quyền đối mặt là làm sao tránh được lây nhiễm gia tăng nơi những người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt sau khi xuất hiện biến thể Delta trong năm nay.

Dù 84% cư dân Singapore đã tiêm chủng đầy đủ chủ yếu là với vaccine Pfizer hay Moderna, nhưng vaccine có thể không thể bảo vệ cho một số người dễ tổn thương nhất.

Những người chích ngừa đầy đủ chiếm khoảng 30% số người chết trong tháng qua, hầu hết là những người trên 60 tuổi với bệnh nền, đúng như những gì các cuộc nghiên cứu cho thấy là vaccine ít bảo vệ cho những người lớn tuổi và bệnh nặng.

Tuy nhiên con số người chết mỗi ngày, tính trung bình trong bảy ngày, hiện là 1,77 trên 1 triệu, tức vượt quá các nước trong vùng như Nhật (0,15), Hàn Quốc (0,28) và Úc (0, 58), theo trang Our World in Data.

Singapore đứng sau Mỹ (4,96) và Anh (1,92).

Tuy nhiên số người chết tính trên tổng dân số của Singapore vẫn nằm ở mức thấp của thế giới, ở mức 47,5/một triệu. Tỷ lệ này của Brazil là 2.825,7 và của Mỹ là 2.202,4.

Biến thể Delta thay đổi mọi chuyện

Tiếp theo việc nới lỏng những hạn chế vào tháng 8, đợt dịch mới nhất tại Singapore đã đẩy số ca nhiễm tuần này lên gần 4.000 ca, cao hơn gần ba lần so với cao điểm năm ngoái.

Trong hầu hết đại dịch, những hạn chế gắt gao có làm số ca nhiễm giảm, nhưng hiệu quả trước Delta dường như phai nhạt, dù tỉ lệ tiêm chủng cao có nghĩa là gần như tất cả các ca nhiễm đều không có triệu chứng hay nhẹ.

“Hầu hết các ca tử vong là từ một tỉ lệ rất nhỏ những người chưa tiêm chủng,” ông Dale Fisher, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viên Đại học Quốc gia nói.

Singapore sẽ gia hạn những biện pháp giãn cách xã hội trong khoảng một tháng để giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhà cầm quyền loan báo trong tuần này.

Hiện nay, hầu như tất cả những người trên 12 tuổi tại Singapore đã tiêm chủng. Singapore đang chú trọng đến các mũi tiêm tăng cường. Hơn 600.000 người đã nhận được liều tăng cường trong lúc nhà cầm quyền nhắm vào những người trên 30 tuổi, bên cạnh những người lớn tuổi và nhân viên y tế.

Các biện pháp chưa đến mức bắt buộc chích ngừa, chẳng hạn như cấm ăn uống ở nhà hàng và chỉ những ai đã chích ngừa mới được vào các thương xá đã giúp đẩy mạnh số người tiêm chủng lên 17.000 trong tuần qua, tăng 54% so với tuần trước đó.

“Tôi không nghĩ nới lỏng những hạn chế sẽ có ảnh hưởng đến số ca nhiễm,” ông Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội châu Á Thái Bình Dương về Vi sinh học và Truyền nhiễm, nói.

“Điều quan trọng vẫn là vươn tới những người lớn tuổi chưa tiêm chủng và bảo vệ những người dễ tổn thương.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG