Đường dẫn truy cập

Tp. Hồ Chí Minh chưa tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc, chờ ‘thẩm định’


Một điểm tiêm vaccine ở Tp. Hồ Chí Minh. Photo VOA Express.
Một điểm tiêm vaccine ở Tp. Hồ Chí Minh. Photo VOA Express.

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh hôm 3/8 cho biết vaccine COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất đã về đến thành phố mấy ngày qua nhưng vẫn chưa tiêm cho người dân vì “đang chờ Bộ Y tế thẩm định”. Phát biểu này được đưa ra giữa lúc phần lớn người dân thành phố ngần ngại tiêm vaccine Trung Quốc.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, sáng ngày 3/8 cho báo giới biết hiện thành phố chưa triển khai tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, với lý do rằng “đang chờ Bộ Y tế thẩm định”, theo trang Pháp Luật Online (PLO).

Truyền thông Việt Nam loan tin rằng vào ngày 31/7, Tp.HCM đã tiếp nhận một triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, lô vaccine nhập khẩu đầu tiên do Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo và ký hợp đồng mua của Sinopharm theo sự uỷ quyền của UBND Tp.HCM.

Trước đó, vào ngày 3/6, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19, “dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả” do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế.

Chính quyền thành phố và Bộ Y tế không cho báo giới biết vì sao phải thẩm định lại loại vaccine này sau hai tháng đã được phê duyệt.

VOA phỏng vấn một số người dân thành phố và đa số họ cho biết đều tẩy chay vaccine Trung Quốc. Không dẫn ra các bằng chứng khoa học, song những người trả lời phỏng vấn bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng loại vaccine này “không an toàn” và “kém hiệu quả”.

Từ Nhà Bè, ông Mạc Văn Trang, một trí thức về hưu, đưa ra quan điểm cá nhân với VOA:

“Người dân ngần ngại tiêm vaccine Trung Quốc vì loại vaccine Vero Cell này chưa được kiểm chứng và các nước cũng không dùng, thế mà Việt Nam lại nhập về. Người dân không tin tưởng vào loại vaccine này”.

“Những gì được sản xuất từ Trung Cộng thì người Việt Nam mình quá biết rồi! Những gì mà Trung Cộng đem đến cho nhân dân Việt Nam thì đều tai hại, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Dân Việt Nam đã trải nghiệm bao chuyện Trung Cộng gây nguy hại cho người dân Việt Nam rồi. Vaccine này lại do công ty do nhà nước Trung Cộng quản lý thì biết họ đưa vào đó những cái gì, làm sao tin được họ?” ông Mạc Văn Trang cho biết thêm.

Ông Huỳnh Anh Tú, một người dân ở quận Gò Vấp, chia sẻ quan sát của ông:

“Vaccine của Trung Quốc, đối với tôi và rất nhiều người nữa, cũng không ủng hộ vì Trung Quốc bao giờ cũng dối trá. Vaccine Trung Quốc mang về đây là một cực hình đối với người dân Việt Nam”.

Bà Lâm Thị Thanh Hà, một người dân làm nghề buôn bán nhỏ ở quận Bình Thạnh, chia sẻ suy nghĩ của bà:

“Nói đến Trung Quốc là tui thấy sợ. Nói thật là bây giờ hết tin tưởng nỗi Trung Quốc rồi. Dân nghe nói tới Trung Quốc là sợ lắm. Có [vaccine] Trung Quốc cũng chả dám chích đâu. Khi nào có vaccine từ các nước hiện đại, có lòng nhân từ thì chích. Nói đến Trung Quốc là thật lòng không tin tưởng chút xíu nào”.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Chinh, một cán bộ hưu trí ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra ý kiến trung dung: “Tiêm vaccine nào cũng được, vì có nhà nước, quản lý y tế, có các nhà khoa học nghiên cứu rồi. Vaccine nào cũng được, miễn là kịp thời cho dân thôi”.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chuyên ngành dịch tễ học, thuộc Đại học New South Wales ở Úc, hôm 3/8 viết trên Facebook cho biết rằng ông đề nghị chọn 3 tiêu chuẩn để đánh giá và xếp hạng vaccine, đó là khoa học, minh bạch, và theo chuẩn của Cơ quan quản lý dược phẩm liên bang của Mỹ (FDA).

“Nếu nhìn vào con số thì vaccine của Sinopharm có lẽ cũng tốt như các vaccine khác, nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu về hiệu quả ngoài cộng đồng”, giáo sư viết.

“Cái khó là một số người thì có (hay không có) cảm tình với Tàu [Trung Quốc] nên có những ý kiến và đánh giá chịu sự tác động của cảm tính”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.

Chính quyền Tp.HCM đã tiêm 2 triệu vaccine Astra Zaneca, Morderna, Pfrizer và đang bước vào đợt tiêm thứ 6 kéo dài từ nay đến hết tháng 8, theo trang Lao Động.

Giữa lúc thành phố đông dân nhất nước đang triển khai tiêm vaccine, chính quyền Việt Nam kêu gọi người không kén chọn: “Người dân được tiêm vaccine thì nên tiêm càng sớm càng tốt, đừng kén chọn vaccine hay lo ngại, trì hoãn tiêm”.

Như VOA đã đưa tin, trên bình diện quốc tế, thời gian qua, các loại vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc chịu nhiều thông tin bất lợi trên báo chí.

Hồi đầu tháng 7, Reuters đưa tin rằng trong cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, Singapore không tính những người dân nước này đã tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc vào bảng thông kê người đã chủng ngừa, với lý do là thiếu dữ liệu về mức độ hiệu quả của loại vaccine Trung Quốc.

Vẫn Reuters dẫn lại báo chí một nước Đông Nam Á khác là Indonesia cho biết nữ khoa học gia dẫn đầu các cuộc thử nghiệm vaccine Sinovac của Trung Quốc tại Indonesia, bà Novilia Sjafri Bachtiar, qua đời ngày 7/7 vì nghi nhiễm COVID-19. Thời gian qua, số ca tử vong vì dịch đạt mức kỷ lục tại Indonesia, một trong những nước mà vaccine Sinovac được sử dụng rộng rãi nhất.

Một bản tin của CNBC đăng hôm 7/7 nói rằng trong 6 nước đã tiêm vaccine rộng rãi nhưng số ca nhiễm vẫn tăng cao thì 5 nước trong số đó dựa vào vaccine của Trung Quốc, đó là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quần đảo Seychelles, Mông Cổ, Uruguay và Chile. Tại các nước này, có ít nhất 60% dân số đã tiêm 1 liều.

Mông Cổ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và quần đảo Seychelles sử dụng đa số vaccine là loại Sinopharm. Chile và Uruguay chủ yếu tiêm Sinovac, CNBC cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG