Đường dẫn truy cập

Tổng thống Pakistan đi thăm Ấn Độ vào lúc bang giao cải thiện


Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari
Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari

Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vào ngày 8 tháng này trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia Pakistan kể từ năm 2005. Cùng với các quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng, chuyến đi này có thể là một dấu hiệu cải thiện quan hệ giữa hai lân bang đều có vũ khí hạt nhân. Từ Islambad, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.

  • Pakistan, Ấn Độ củng cố các mối quan hệ một cách chậm chạp
  • Diễn biến các mối quan hệ Pakistan-Ấn Độ trong năm ngoái.


  • Tháng 2 năm 2012: Chính phủ Pakistan hứa bãi bỏ những hạn chế và thuế quan đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ vào cuối năm nay, có khả năng tăng gấp ba mậu dịch qua biên giới lên đến hơn 3 tỉ đô la mỗi năm.


  • Tháng 1 năm 2012: Các giới chức Ấn Độ và Pakistan tiến gần đến một thỏa thuận về một ống dẫn dầu chuyển khí đốt thiên nhiên từ Turkmenistan xuyên qua Afghanistan. Ấn Độ cũng đề nghị xuất khẩu xăng, dầu Diesel và các loại xăng dầu khác cũng như các các phó sản của dầu sang Pakistan.


  • Tháng 12 năm 2011: Các giới chức của cả hai quốc gia kêu gọi gia hạn một hiệp định giảm bớt những rủi ro về tai nạn hạt nhân liên hệ đến các kho vũ khí hạt nhân của hai nước.


  • Tháng 11 năm 2011: Nội các Pakistan chấp thuận một đề nghị cho Ấn Độ được hưởng “qui chế ưu đãi mậu dịch”.


  • Tháng 10 năm 2011: Ấn Độ hỗ trợ Pakistan trong nỗ lực trở thành một thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


  • Tháng 2 năm 2011: Những cuộc hòa đàm tái tục giữa Pakistan và Ấn Ðộ. Ấn Ðộ ngưng những cuộc hòa đàm này sau vụ tấn công khủng bố vào Mumbai năm 2008 mà New Delhi đổ lỗi cho các phần tử chủ chiến có căn cứ tại Pakistan. Islamabad phủ nhận có bất cứ vai trò nào trong vụ này.

Trong chuyến thăm một ngày của Tổng thống Zardari đến Ấn Độ, ông sẽ dùng bữa trưa với Thủ tướng Singh tại New Delhi, sẽ đi về phía nam để thăm một ngôi đền Sufi tại thành phố Ajmer.

Không có nghị trình cụ thể cho cuộc họp nhưng phân tích gia chính trị Hasan Askari Rizvi nói ông trông đợi đây sẽ là một cuộc hội kiến tích cực đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo.

Chuyên gia này nói hai bên sẽ không bị đặt dưới áp lực phải đi đến các kết quả bởi vì đây là một cuộc họp không chính thức. Tuy nhiên, cuộc hội kiến sẽ giúp họ bàn về tiến trình bình thường hóa quan hệ đang tiếp diễn.

Đây sẽ là chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của Tổng thống Zardari kể từ khi ông lên nhậm chức vào năm 2008. Vị tổng thống trước đây nhầt đi thăm Ấn Độ là tướng Pervez Musharraf, đã thực hiện chuyến công du vào năm 2005.

Hai lân quốc có vũ trang hạt nhân này đã trải qua một mối quan hệ đầy rắc rối và căng thẳng kể từ khi giành được độc lập từ tay Anh Quốc vào năm 1947, và đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh trong vùng Kashmir có tranh chấp.

Một tiến trình hòa bình bắt đầu vào năm 2004 đã bị trật đường rầy vào năm 2008, khi 10 phần tử chủ chiến vây hãm thành phố Mumbai của Ấn Độ, làm 166 người thiệt mạng. Ấn Độ quy trách vụ tấn công cho nhóm chủ chiến Lashkar-e-Taiba có cơ sở ở Pakistan.

Trong khi các nỗ lực hòa giải chính trị đã khựng lại, Pakistan và Ấn Độ đã cải thiện quan hệ kinh tế.

Hồi tháng 11, Nội các Pakistan chấp thuận một đề nghị dành quy chế thương mại “tối hậu quốc” cho Ấn Độ. Quyết định này đã tháo bỏ các hàng rào và thuế quan, đồng thời cho phép các nước mua bán trên nguyên tắc bình đẳng. Kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai lân quốc ước tính khoảng 2 tỷ đôla. Các kinh tế gia nói một khi tất cả các rào cản được gỡ bỏ, thì kim ngạch thương mại xuyên biên giới có thể tăng lên tới hơn 6 tỷ đôla.

Ông Rizvi, một cựu giáo sư nghiên cứu về Pakistan của trường Đại học Columbia nói mậu dịch gia tăng có thể mở đường cho hợp tác về nhiều vấn đề.

Vị giáo sư này nói dường như ở giai đoạn này, hai bên đang tiến dần theo hướng đó, tức là mậu dịch gia tăng. Và có phần chắc sự kiện này sẽ tạo ra thiện chí. Và điều đó có thể góp phần xoa dịu căng thẳng, và giúp họ giải quyết các vần đề ít gây tranh cãi hơn.

Ông Rizvi nói hai nước sẽ cần phải xây dựng rất nhiều niềm tin trong nay mai trước khi có thể đạt được tiến bộ nào nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp, gây chia rẽ như vụ tranh chấp về khu vực Kashmir và căng thẳng ngày càng tăng về các kế hoạch của Ấn Độ định xây các đập trên những con sông chảy vào Pakistan.

Hoa Kỳ cũng đã khích lệ đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực trước khi lực lượng do NATO đứng đầu triệt thoái ra khỏi Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG