Đường dẫn truy cập

Ông Trump đòi Tòa Tối cao phục hồi lệnh cấm du hành


Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối phân biệt đối xử trước Tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 ở Richmond, Virginia, ngày 8/5/2017.
Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối phân biệt đối xử trước Tòa phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 ở Richmond, Virginia, ngày 8/5/2017.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ hồi phục lệnh cấm của ông đối với du khách đến từ sáu nước mà người Hồi giáo chiếm đa số là: Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.

Vào cuối ngày thứ Năm, chính quyền của ông Trump đã yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ xem xét tính hợp pháp của lệnh hành pháp đã bị tòa án cấp dưới loại bỏ.

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores cho biết Bộ “tin rằng lệnh hành pháp củaTổng thống Trump nằm trong thẩm quyền hợp pháp của ông nhằm giữ an toàn cho quốc gia và bảo vệ cộng đồng khỏi khủng bố”.

Bà nói: “Không có quy định nào buộc Tổng thống phải nhận những người đến từ các quốc gia tài trợ hoặc dung dưỡng khủng bố, cho đến khi ông xác định được rằng họ được kiểm tra cẩn thận và không gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ”.

Quyết định mới nhất chống lại chính sách du hành của ông Trump là từ một tòa phúc thẩm liên bang hồi tháng Năm.

Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 4 ở Richmond, bang Virginia, nói lệnh này chung quy chỉ cấm người Hồi giáo. “Nói trắng ra, lệnh này không khác với những gì mà Tổng thống Trump đã hứa trước và sau khi ông đắc cử: một thái độ kỳ thị đáng lên án nhắm vào người Hồi giáo”, các thẩm phán của tòa phúc thẩm nói trong một phán quyết dài 205 trang.

Đa số trong hội đồng, gồm 13 vị thẩm phán xét xử trường hợp này, viện dẫn các bài phỏng vấn, phát biểu của ông Trump trên truyền hình và trên trang Twitter, làm bằng chứng về ý định thực sự của ông Trump.

Karen Tumlin, Giám đốc pháp lý của Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, nói: “Nhiều tòa án trên khắp nước đều cho rằng lệnh cấm người Hồi giáo của ông Trump là vi hiến. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền của các nguyên đơn, là được sống mà không phải sợ hãi sẽ bị chính quyền liên bang phân biệt đối xử”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG