Đường dẫn truy cập

1/5: Di dân tuần hành trên toàn nước Mỹ


Những người chống đối Tổng thống Trump trong cuộc biểu tình hôm 4/3/2017 ở Berkeley. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Những người chống đối Tổng thống Trump trong cuộc biểu tình hôm 4/3/2017 ở Berkeley. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Các tổ chức di dân và công đoàn ngày 1/5 tuần hành ở các thành phố trên toàn nước Mỹ, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động và phản đối những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump muốn đẩy mạnh trục xuất di dân.

Hàng ngàn người biểu tình tại các thành phố lớn như New York, Chicago, Seattle, Los Angeles lẫn những phố thị nhỏ hơn như Ft. Lauderdale ở Florida hay Portland ở Oregon.

Tại nhiều nơi, các nhà hoạt động kêu gọi mọi người chớ tới trường, tới công sở, hay đi mua sắm để chứng tỏ tầm quan trọng của di dân tại Mỹ.

Trong khi các thành viên công đoàn có truyền thống tuần hành vào ngày 1 tháng 5 để đòi quyền của công nhân tại các quốc gia trên toàn thế giới, 1/5 đã trở thành ngày tuần hành của di dân tại Mỹ kể từ những cuộc biểu tình đông đảo được tổ chức vào ngày này năm 2006 để phản đối luật đề nghị gia tăng kiểm soát di dân.

Trong những năm gần đây, những cuộc biểu tình về quyền của di dân giảm dần vì các tổ chức tập trung vào việc đăng ký bầu cử và vận động hành lang. Các đám đông biểu tình dự trù sẽ tái hiện năm nay giữa lúc những tổ chức di dân cùng với những tổ chức Hồi Giáo, những tổ chức bênh vực phụ nữ và những tổ chức khác đoàn kết chống lại các chính sách của chính quyền ông Trump.

Bà Kica Matos, phát ngôn viên của Phong trào Cải cách Di dân Công bình, nói “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự ủng hộ vượt bậc như vậy kể từ khi ông Donald Trump đắc cử.”

Ông Trump tích cực theo đuổi việc thực thi luật di trú, ký những lệnh hành pháp xây tường dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico và cấm công dân 6 nước có đa số theo Hồi Giáo vào Mỹ. Chính phủ Mỹ đã bắt hàng ngàn di dân bất hợp pháp và dọa cắt tài trợ những nơi hạn chế sự hợp tác giữa nhà chức trách di dân địa phương và liên bang.

Đáp lại, các lãnh đạo địa phương cam kết sẽ trả đũa và việc tham dự những hoạt động dân sự đã gia tăng, trong đó có “Ngày Không Di dân” được tổ chức vào tháng Hai vừa qua. Lệnh cấm du hành và lệnh ngưng tài trợ các thành phố che chở di dân bất hợp pháp tạm thời bị hoãn vì các vụ kiện.

Thêm vào những cuộc biểu tình, các nhà hoạt động về quyền di dân tại các cộng đồng ở Indiana, Massachusetts, Texas và các nơi khác đang kêu gọi đình công để cho người Mỹ thấy nhu cầu về lao động di dân và sức mua bán của di dân.

“Ngày này chúng tôi sẽ không đi làm, không đi học, không mua bán gì cả,” một công nhân nông trại tên Francisca Santiago ở Homestead, Florida, nói.

Những người bênh vực di dân hy vọng thông điệp của họ sẽ tới tai ông Trump, các nhà lập pháp quốc hội và công chúng, cũng như giúp mang lại sự đoàn kết và sức mạnh cho những người bị các chính sách của chính quyền nhắm mục tiêu. Dù ông Trump cam kết truy lùng di dân bất hợp pháp, nhiều người hy vọng một cuộc biểu dương sức mạnh sẽ giúp thuyết phục các chính trị gia nghĩ lại những kế hoạch của họ.

Ông Tom K.Wong, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, nói chú tâm của chính quyền ông Trump vào di dân đang khiến những người bênh vực quyền di dân được tăng thêm ủng hộ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG