Đường dẫn truy cập

Phản ứng của Quốc hội sau bài diễn văn của Tổng thống Obama


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc Thông điệp về Tình trạng Liên bang trước lưỡng viện Quốc Hội, ngày 24/1/2012
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đọc Thông điệp về Tình trạng Liên bang trước lưỡng viện Quốc Hội, ngày 24/1/2012

Nói chung, phản ứng tại Quốc Hội đối với bài diễn văn về tình trạng liên bang của Tổng thống Barack Obama mang tính đảng phái. Một ngoại lệ và về chính sách đối ngoại, trong đó cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều đồng ý với quyết tâm của tổng thống là ngăn chặn Iran chế tạo một vũ khí hạt nhân. Thông tín viên VOA tại Thượng viện Hoa Kỳ ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Như trông đợi, các nhà lập pháp Dân chủ ca ngợi thành tích của Tổng thống Barack Obama, tỷ như thượng nghị sĩ Barbara Boxer của bang California.

Bà Boxer nghĩ thành tích đó rất tuyệt vời. Bà cho rằng bài diễn văn có tác dụng như một cuộc đối thoại trưởng thành với Quốc Hội và người dân Mỹ.

Và cũng theo như trông đợi, phe Cộng hòa gay gắt chống đối, Điển hình là nhận định của thượng nghị sĩ John Barrasso của bang Wyoming.

Ông Barrasso nói: “Tôi cho rằng đây không phải là một bài diễn văn thuộc loại gây thuyết phục của ông, và tôi nghĩ nội dung sẽ mau chóng bị lãng quên.”

Dân biểu Dân chủ Frank Pallone của bang New Jersey dành lời ca ngợi cho các đề nghị kinh tế của ông Obama:

Ông Pallone nói: “Theo tôi, thông điệp xây dựng một nền kinh tế có tính lâu bền chính là điều các cử tri của tôi muốn nghe. Chúng ta muốn đoan chắc sẽ tạo ra công ăn việc làm, những công việc lâu bền, hồi phục sản xuất - đó là điều rất quan trọng đối với các cử tri của tôi. Chúng ta đã mất đi rất nhiều công ăn việc làm cho nước ngoài trong 20 năm vừa qua.”

Nhưng dân biểu Cộng hòa Joe Wilson của bang South Carolina nói nghị trình kinh tế của tổng thống sẽ chỉ đem lại sự khó khăn.

Ông Wilson nói: “Triển vọng thuế cao hơn làm tiêu tan công ăn việc làm. Và các đề nghị mà ông đưa ra gây tiêu tan cho công ăn việc làm vào một thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức kỷ lục. Các chính sách chi tiêu trước đây của ông đã không đem lại hiệu quả.”

Nếu các chính sách trong nước tiếp tục tạo ra tình trạng chia rẽ đảng phái cùng cực tại Quốc Hội, thì một số tuyên ngôn về chính sách đối ngoại của tổng thống đã được cả các đảng viên Cộng hòa cũng như Dân chủ đón nhận nồng nhiệt. Dân biểu Cộng hòa James Lankford của tiểu bang Oklahoma ca ngợi lập trường cứng rắn của ông Obama đối với các tham vọng hạt nhân của Iran.

Dân biểu Lankford nhận xét: Đó là phát biểu rõ ràng nhất về Iran mà tôi được nghe thấy từ trước đến giờ, rằng chúng ta sẽ không dung túng một Iran có hạt nhân. Cả hai đảng đều hoàn toàn đồng ý về điểm này.”

Dân biểu Dân chủ Emanuel Cleaver của bng Missouri cũng đồng ý như thế.

Ông Cleaver nói: “Tôi thiết nghĩ các giáo sĩ hồi giáo ở Iran và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sẽ run rẩy khi thức dậy ở Iran sáng nay.”

Nhiều nhà lập pháp của cả hai đảng cũng ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn khi nói về các tập tục thương mại của Trung Quốc.

Dân biểu Dân chủ Gerry Connolly của bang Virginia nói: "Không có một doanh nghiệp nào tôi đã tiếp xúc, làm ăn ở Trung Quốc hay giao dịch với Trung Quốc mà không có lời than phiền nghiêm trọng về việc đánh cắp tài sản trí tuệ, cho dù là trong khu vực bán lẻ, hay khu vực sản xuất nhu liệu điện toán, hay khu vực sản xuất nói chung.”

Các nhà lập pháp có phản ứng khác nhau về lời kêu gọi tinh thần lưỡng đảng và tinh thần nhắm vào một mục tiêu chung trong việc đối phó với các thách thức của nước Mỹ. Một đại diện của phe Dân chủ nói các thành viên Quốc Hội dứt khoát phải hợp tác với nhau, ngay trong một năm bầu cử như năm nay, nếu không thì quốc gia sẽ bị thiệt hại.

Một đại diện của đảng Cộng hòa nêu ra rằng ông Obama đã đưa ra lời kêu gọi tương tự trong bài diễn văn về tình trạng liên bang năm ngoái, và nói thêm rằng, lời kêu gọi đó đã không được ai chú ý tới, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG