Đường dẫn truy cập

TT Obama hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á


Tổng thống Obama (phải) và các nhà lãnh đạo châu Á.
Tổng thống Obama (phải) và các nhà lãnh đạo châu Á.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mở các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo châu Á dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia. Tin nổi bật là thông báo của ông Obama về đường lối giao tiếp ngoại giao mới quan trọng đối với Miến Điện nhằm mục đích khích lệ các cải cách chính trị ở nước này.

Mục đích của ông Obama trong chuyến công du châu Á Thái Bình Dương kỳ này là đưa ra dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có mặt trong tư cách một sức mạnh ở Thái Bình Dương, và nhắm mục đích tăng cường sự giao tiếp chính trị, kinh tế và sách lược với khu vực này.

Nhưng Hoa Kỳ cũng khích lệ sự đóng góp liên tục gia tăng về kinh tế và an ninh trong vùng Thái Bình Dương của Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới. Do đó cuộc họp song phương đầu tiên trong nghị trình của ông Obama là với Thủ tướng Manmohan Singh.

Ông Obama tuyên bố cả hai quốc gia đều coi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á là “vũ đài hàng đầu” để cùng bàn luận về các vấn đề từ an ninh hàng hải và cấm phổ biến hạt nhân cho đến tăng cường hợp tác về cứu trợ thiên tai và viện trợ nhân đạo.

Thủ tướng Singh của Ấn Độ đã đưa ra một đánh giá lạc quan có tính cách ngoại giao về các mối quan hệ.

Ông cũng cho biết Quốc hội Ấn Độ nay mai sẽ cứu xét các luật lệ về trách nhiệm để giải quyết các mối quan ngại của các công ty năng lượng hạt nhân Mỹ, đã làm trì hoãn việc thực thi thỏa thuận hạt nhân dân sự giữa hai nước.

Thủ tướng Ấn nói : “Do đó chúng tôi đã cố gắng nhiều để đáp lại những mối quan ngại của các công ty Mỹ. Và trong số 4 sự quan tâm về luật pháp, chúng tôi sẵn sàng giải quyết bất cứ khiếu nại cụ thể nào.”

Ông Obama cũng gặp các nhà lãnh đạo Philippin và Malaysia và sau đó là lãnh đạo nước chủ nhà Indonesia trước khi tham gia cuộc họp giữa Hoa Kỳ và Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á ASEAN, và dự một dạ tiệc của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Trước khi diễn ra các sự kiện ngoại giao đã được sắp xếp cẩn thận, Tổng thống Obama đã có dịp đề cập đến một thỏa thuận quan trọng trị giá 22 tỷ đôla có liên quan đến việc bán hơn 200 chiếc máy bay phản lực của công ty Boeing cho hãng hàng không nội địa lớn nhất của Indonesia. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ cho khoảng 110 ngàn công ăn việc làm ở Hoa Kỳ.

Nhưng chuyện quan trọng nhất trong ngày hôm nay là thông báo của ông Obama về một đường lối ngoại giao mới đối với Miến Điện, nước từ nhiều thập niên đã bị đặt dưới sự thống trị của giới quân nhân nhưng đang tiến tới cải cách chính trị trong mấy tháng vừa qua.

Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi vẫn còn quan ngại về hệ thống chính trị đóng kín của Miến Điện, sự đối xử với các sắc dân thiểu số, và việc giam giữ các tù nhân chính trị cũng như quan hệ của họ với Bắc Triều Tiên. Nhưng chúng tôi muốn nắm lấy điều có thể là cơ hội lịch sử cho tiến bộ này, và khẳng định rằng nếu Miến Điện tiếp tục tiến bước trên con đường cải cách dân chủ thì họ có thể thiết lập một mối bang giao với Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.”

Ông Obama cho biết ông cũng sẽ chuyển các thông điệp tương tự cho Tổng thống Miến Điện Thein Sein trong cuộc họp giữa Hoa Kỳ và ASEAN hôm nay. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã chấp thuận để cho Miến Điện giữ chức chủ tịch tổ chức gồm 10 nước thành viên này vào năm 2014.

Các giới chức cấp cao trong chính quyền của ông Obama nói Ngoại trưởng Clinton dự trù tới Miến Điện vào ngày 1 tháng 12 và sẽ dành 2 ngày để họp với các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội, và với bà Aung San Suu Kyi.

Ông Obama cho biết ông đã nói chuyện lần đầu tiên với lãnh tụ đối lập Miến Điện, kiêm khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, là bà Aung San Suu Kyi, trong khi ông đáp máy bay từ Australia đến Bali, và nói họ đã duyệt qua tiến bộ ở Miến Điện.

Tổng thống Hoa Kỳ nói chính phủ Miến Điện đã tiến hành các bước tích cực mở cửa tiến trình chính trị, nới lỏng các hạn chế truyền thông và phóng thích một số tù nhân chính trị. Ông cho biết bà Aung San Suu Kyi ủng hộ sự giao tiếp của Hoa Kỳ nhắm mục đích thúc đẩy tiến trình cải cách.

Ông Obama đến Bali sau chuyến thăm Australia trong đó hai nước đã loan báo việc tăng cường liên minh an ninh đã có từ 60 năm nay, và một kế hoạch gia tăng đáng kể sự tiếp cận của quân đội Hoa Kỳ đối với các căn cứ quân sự của Australia.

Thỏa thuận đã gây ra phản ứng lạnh lùng của Trung Quốc này, cùng các mối quan ngại trong khu vực về thái độ hung hăng của Trung Quốc về an ninh cùng những căng thẳng trong những tranh chấp chủ quyền chồng chéo ở Biển Nam Trung Quốc, tạo thành bối cảnh cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG