Đường dẫn truy cập

TT Obama đưa động năng từ Australia vào cuộc họp thượng đỉnh Đông Á


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ausralia Julia Gillar đến thăm binh sĩ Australia tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia ở Darsin, Australia
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ausralia Julia Gillar đến thăm binh sĩ Australia tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Australia ở Darsin, Australia

Trong một bài diễn văn trước Quốc hội Australia hôm nay, Tổng thống Barack Obama ca ngợi sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ với Australia, và nói rằng một thỏa thuận hợp tác quân sự mới sẽ giúp Hoa Kỳ đóng một vai trò an ninh lớn hơn ở châu Á Thái Bình Dương. Ông Obama cũng nói chuyện với binh sĩ Australia và Hoa Kỳ tại thành phố Darwin miền bắc Australia.

Sau bài phát biểu tại Canberra, trong đó ông nói rằng Hoa Kỳ và Australia luôn đứng sát cánh nhau như những đồng minh và sẽ tiếp tục làm như vậy tại các nơi như Afghanistan, tổng thống đã đáp máy bay đến Darwin, thuộc Lãnh địa miền Bắc của Australia.

Darwin đã từng bị lực lượng Nhật Bản oanh kích nặng nề trong Thế chiến thứ nhì. Sau khi đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm thủy thủ đoàn của tàu USS Peary, một chiếc tầu của Hoa Kỳ bị đánh đắm ở Darwin vào năm 1942, ông Obama đã xuất hiện cùng với Thủ tướng Julia Gillard tại một nhà chứa máy bay đông nghịt khoảng 1.600 binh sĩ Australia và 55 binh sĩ thủy quân lục chiến reo hò hoan nghênh.

Ông Obama tuyên bố thỏa thuận tăng cường sự tiếp cận của Hoa Kỳ với các căn cứ của Australia sẽ giúp bảo đảm an ninh trong vùng Thái Bình Dương rộng lớn hơn.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Nơi đây tại Darwin và bắc bộ Australia, chúng ta sẽ viết ra chương tiếp theo đầy kiêu hùng trong lịch sử liên minh của chúng ta. Như bà thủ tướng và tôi đã loan báo hôm qua, một số binh sĩ thủy quân lục chiến của chúng tôi sẽ bắt đầu luân phiên đến các vùng này để huấn luyện và thao dượt với các bạn và làm việc như những đối tác trong khắp vùng để phục vụ cho nền an ninh mà tất cả chúng ta đều cần đến.”

Theo thỏa thuận mới, một nhóm đầu tiên gồm 250 binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ được điều đến và luân phiên ra vào các căn cứ ở bắc bộ Australia, cuối cùng sẽ mở rộng thành một Lực lượng đặc nhiệm trên bộ và trên không với thành phần 2.500 thủy quân lục chiến, tuy thời biểu chính xác cho công tác chưa được xác định rõ. Cũng sẽ có sự gia tăng đáng kể trong con số các sân bay mà các phi cơ quân sự của Hoa Kỳ sử dụng.

Thiếu tướng thủy quân lục chiến Ronald Baczkowski gọi lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được tang cường điều động là phù hợp với một “vị thế lực lượng trong vùng Thái Bình Dương hoạt động vững chắc được phân phối dựa vào địa lý” và bao gồm việc huấn luyện vũ khí phối hợp với các đồng minh Australia.

Phát biểu tại Canberra trước đó, ông Obama nói các quyết định gay go về ngân sách mà Hoa Kỳ phải thực hiện để điều chỉnh tình hình tài chính, trong đó có những cắt giảm về dự chi quốc phòng, sẽ không làm giảm thiểu sự cam kết đối với vùng Thái Bình Dương.

Tổng thống Obama nói: “Vào lúc chúng tôi hoạch định và tiết kiệm cho tương lai, chúng tôi sẽ dành các nguồn lực cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự vững mạnh trong vùng này. Chúng tôi sẽ bảo vệ khả năng độc đáo của chúng tôi để phô bầy lực lượng và ngăn cản những mối đe dọa đối với hòa bình. Chúng tôi sẽ giữ các cam kết, trong đó có các nghĩa vụ về hiệp định đối với các đồng minh như Australia.”

Nâng cấp liên minh Australia-Mỹ đã có từ 60 năm nay được vùng này cho là một thông điệp rõ ràng của Washington gửi cho Bắc Kinh, giữa các mối quan ngại về xung đột có thể xảy ra vì vấn đề biển Nam Trung Hoa.

Phó cố vấn An ninh Quốc gia đặc trách Thông tin sách lược Ben Rhodes gọi thỏa thuận Mỹ-Australia là “hoàn toàn thích hợp” và được sự hậu thuẫn của các nước khác trong khu vực.

Ông Rhodes nói: “Có một tín hiệu về nhu cầu từ phía các quốc gia trong vùng, và đây là điều mà chúng tôi sẽ làm với sự phối hợp của một trong các đồng minh thân cận nhất của chúng tôi. Vì thế chúng tôi tin rằng không những điều đó là hoàn toàn thích hợp, mà còn là một bước quan trọng hướng tới việc ứng phó với các thách thức trong tương lai của vùng châu Á Thái Bình Dương.”

Ông Rhodes nói “một nước Trung Hoa đang nổi lên” là một phần trong bối cảnh của các nhận định mà ông Obama đưa ra về tương lai của toàn vùng.

Được hỏi liệu thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Australia có thể dẫn tới một sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ hay không, ông mô tả đó chỉ là một sự bố trí “bền vững” đang diễn tiến.

Tổng thống Obama mang theo điều được coi như động năng từ thông báo của Hoa Kỳ và Australia đem vào các cuộc thảo luận về những vấn đề an ninh với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali.

Ông sẽ mở các cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo của các đối tác trong hiệp ước là Thái Lan và Philippines, cùng với nước chủ nhà Indonesia, đồng thời tái khẳng định các thông điệp mà ông đã chuyển đi cho tới giờ này nhân chuyến đi về cam kết của Hoa Kỳ đối với sự ổn định.

Ông Obama cũng sẽ họp với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Trong bài phát biểu tại Canberra, ông hoan nghênh chính sách “nhìn về phương đông” của Ấn Độ và các nỗ lực của New Delhi nhằm đóng một vai trò rộng lớn hơn trong tư cách một cường quốc Á châu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG