Đường dẫn truy cập

Na Uy bị khủng bố tấn công bằng bom và súng


Nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ nổ ở trung tâm Oslo, 22/7/2011
Nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ nổ ở trung tâm Oslo, 22/7/2011

Nhiều cuộc tấn công bạo động đã làm rúng động nước Na Uy bình thường yên ổn hôm thứ Sáu, với một vụ nổ bom ở Oslo làm ít nhất 7 người thiệt mạng, và một phần tử vũ trang giả dạng cảnh sát nổ súng vào một trại thanh niên.

Hai cuộc tấn công xảy ra cách nhau vài giờ, mặc dù hiện không rõ liệu hai vụ này có liên hệ với nhau hay không.

Vụ nổ bom xảy ra vào giữa buổi chiều đã làm rung chuyển trụ sở chính phủ Na Uy, và làm tòa nhà của Bộ dầu hỏa Na-Uy ở kế cận, bốc cháy. Vụ nổ làm vỡ cửa kiếng của hàng trăm cửa sổ tại trụ sở chính phủ cao 17 tầng, và cửa kiếng của những tòa nhà khác cách xa địa điểm này tới 400 mét.

Khói đen dày dặc bốc lên cuồn cuộn từ một số văn phòng, những đường phố trong khu vực bình thường vẫn yên tĩnh, nay vương vải đầy những mảnh vụn do vụ nổ gây ra. Nhà chức trách cho biết ít nhất có 7 người thiệt mạng và một số người khác bị thương.

Vài giờ sau đó, cảnh sát cho hay một phần tử vũ trang giả dạng cảnh sát, đã nổ súng vào một nhóm thanh niên đang dự một trại hè được đảng Lao động cầm quyền bảo trợ.

Ít nhất có 5 người bị thương trong vụ tấn công. Chính quyền Na-Uy cho biết đã điều động cảnh sát chống khủng bố đến khu trại hè, trên đảo Utoeya, phía nam thủ đô Oslo.

Xem video về vụ nổ bom của Andreas Helgesen


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lên án vụ đánh bom tại Na-Uy. Ông Obama nói vụ tấn công này “là một nhắc nhở rằng ngăn chận các cuộc tấn công loại này phục vụ quyền lợi của toàn thể cộng đồng quốc tế.”

Nhà lãnh đạo Mỹ chia buồn đối với người dân Na Uy và nói chính phủ Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì làm được để hỗ trợ nhân dân Na-Uy.

CNA, một tổ chức nghiên cứu nạn khủng bố nói một tổ chức khủng bố có tên là Ansar al-Jihad al-Alami—đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vừa xảy ra.

Tổ chức Hồi Giáo này nói cuộc tấn công là để phản ứng sự hiện diện của các binh sĩ Na Uy tại Afghanistan trong cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo chống Taliban và phe nổi dậy Hồi Giáo, cũng như những hành động xúc phạm tới Tiên tri Mohammed của Hồi giáo.

Chính phủ Na Uy chưa xác nhận tuyên bố nhận trách nhiệm của tổ chức Hồi giáo vừa kể.

Trụ sở chính phủ là nơi tọa lạc văn phòng của Thủ tướng Jens Stoltenberg. Nhưng một phát ngôn viên của chính phủ Na Uy cho biết Thủ tướng Stoltenberg và các nhân viên dưới quyền không có ai bị thương.

Lên tiếng trên 1 đài truyền hình Na Uy về vụ nổ, Thủ tướng Stoltenberg nói đây là một “tình hình nghiêm trọng.” Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Herman Van Rompuy đã lên án cuộc tấn công, và gọi đây là một hành động “hèn nhát.”

Nói với đài BBC, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Hans Kristian Amundsen cho biết hiện còn nhiều người bị kẹt trong tòa nhà trụ sở chính phủ, nhưng ông không tiết lộ thêm chi tiết.

Trụ sở chính phủ Na Uy sau vụ nổ bom, 22/7/2011
Trụ sở chính phủ Na Uy sau vụ nổ bom, 22/7/2011

Cảnh sát Oslo nói vụ nổ là do một quả bom gây ra. Xác của một chiếc xe được nhìn thấy bên ngoài tòa nhà, có thể là dấu hiệu cho thấy một quả bom gài trên xe đã được kích nổ.

Những người mục kích nói họ trông thấy một số người bị thương, người dính đầy máu, được đưa ra khỏi trụ sở chính phủ, trong khi một số người khác chạy ra khỏi tòa nhà. Một nhân chứng nói “nhiều người đã chạy trong trạng thái kinh hoàng.”

Bạo động chính trị hầu như không hề xảy ra tại Na Uy hay tại thành phố Oslo, nơi giải Nobel Hòa bình được trao hàng năm.

Nhưng ngay cả Na-Uy giờ đây cũng không tránh trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công được liên kết với chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo, tương tự như những vụ khủng bố vẫn xảy ra tại các nước Tây phương khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG