Vụ tấn công của Bắc Triều Tiên hôm nay và sự trả đũa của Nam Triều Tiên đã làm tăng mối lo ngại ở Á châu về căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng nói rằng Nam Triều Tiên đã bắn trước, nhưng Australia thì cho rằng vụ tấn công của Bắc Triều Tiên là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Đồng minh chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo, tuy không đổ lỗi cho bên nào nhưng tỏ ý quan tâm về tình hình hiện nay và kêu gọi các bên đàm phán với nhau. Nga cũng đưa ra một thông cáo tương tự.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về an ninh Á châu của Đại học Quốc phòng Australia, nói rằng Bình Nhưỡng lâu nay vẫn thường khiêu khích để gia tăng sức mặc cả của họ trong các cuộc thương thuyết.
Ông Thayer cho biết: "Khi họ cảm thấy bị lâm vào thế bí, khi họ muốn có được một sự nhượng bộ lớn, khi họ muốn chống cự lại thì những nước khác sẽ chùn bước và không lên án Bắc Triều Tiên vì e rằng điều đó làm cho căng thẳng leo thang. Đó là một loại hành động làm nũng hoặc một loại hành động hung hăng để tìm cách thao túng một tiến trình chính trị nhằm mang lại lợi ích cho họ khi họ cảm thấy tiến trình đó bất lợi cho họ."
Giáo sư Thayer nói thêm rằng vụ tấn công của Bắc Triều Tiên cũng có thể là một phản ứng chống lại cuộc tập trận của Nam Triều Tiên gần ranh giới trên biển đang có tranh chấp.
Vụ này xảy ra vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên tiết lộ một chương trình bí mật để tinh luyện uranium mà theo các chuyên gia hạt nhân thì dường như là một chương trình khá tinh vi.
Trong khi đó, một đặc sứ của Mỹ đang có mặt ở Trung Quốc để thảo luận về những nỗ lực nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân.
Các nhà phân tích khu vực nói rằng vụ tấn công này cũng có thể là một dấu hiệu của tình trạng tranh giàng quyền lực nội bộ sau khi lãnh tụ Kim Jong Il đưa người con trai út của ông là Kim Jong Un vào vị trí để “nối ngôi” ông.
Sau vụ pháo kích qua lại ngày hôm nay, một số thị trường tài chánh Á châu đã bị sụt giá.
Ông Bob Broadffoot, giám đốc công ty Tư vấn Rủi ro Chính trị và Kinh tế ở Hồng Kông, cho biết như sau.
Ông Bradfoot nói: "Nếu có chuyện gì đó xảy ra ở Bắc Triều Tiên, như vấn đề thừa kế chẳng hạn, hay chuyện đấu đá nội bộ giữa phe này với phe kia ở Bắc Triều Tiên, thì điều đó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với vụ pháo kích. Tôi nghĩ rằng các thị trường Á châu sẽ nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của vụ xung đột hôm nay, có thể chỉ trong vòng vài ngày mà thôi."
Căng thẳng giữa 2 miền Triều Tiên đã gia tăng từ tháng 3, khi Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đã đánh chìm một chiến hạm Nam Triều Tiên, giết chết 46 binh sĩ hải quân. Bắc Triều Tiên bác bỏ tố cáo đó và không chấp nhận kết quả của một cuộc điều tra quốc tế cho rằng tàu ngầm của Bắc Triều Tiên đã bắn ngư lôi làm chìm chiếc tàu của Nam Triều Tiên.
Các nước Á châu đã lên tiếng kêu gọi bình tĩnh sau khi Bắc Triều Tiên nã đại pháo vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên, giết chết ít nhất 2 binh sĩ Thủy quân Lục chiến và đưa tới sự trả đũa từ Seoul. Các nhà phân tích trong khu vực nói rằng vụ pháo kích này có thể là một hành động chiến lược của Bình Nhưỡng mà cũng có thể là một dấu hiệu về sự tranh quành quyền lực trong nội bộ. Từ Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1