Đường dẫn truy cập

Cặp vợ chồng đầy quyền lực và sân khấu chính trị Bắc Triều Tiên


Một nhật báo Nam Triều Tiên đăng hình giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Từ trái: Kim Il Sung, Kim Jong Il, Kim Jong Un, Jang Song Teak. và vợ Kim Kyong Hui
Một nhật báo Nam Triều Tiên đăng hình giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Từ trái: Kim Il Sung, Kim Jong Il, Kim Jong Un, Jang Song Teak. và vợ Kim Kyong Hui

Đại hội đảng Lao Động hiếm hoi diễn ra trong tuần này đã trao cho con trai ông Kim Jong Il một chức vụ quan trọng trong đảng cộng sản cầm quyền. Giới quan sát cho rằng đây là một bước đi chính trong tiến trình chuyển quyền. Nhưng họ nói thế lực thực sự đằng sau nhà lãnh đạo kế tiếp tại Bắc Triều Tiên là em gái của Kim Jong Il và em rể của ông ta. Sau đây là bài viết của thông tín viên Kate Woodsome về cặp vợ chồng đầy thế lực trong chính trường Bắc Triều Tiên.

Những nhân vật nắm giữ quyền lực chủ chốt tại Bắc triều Tiên được coi là những người của hoàng tộc. Người ta có thể đoán được là bà Kim Kyong Hui và chồng bà Jang Song Taek thân cận với lãnh tụ Kim Jong Il rất biệt lập như thế nào.

Các quan sát viên cho biết sự gắn bó giữa hai anh em ông Kim Jong Il và bà Kim Kyong Hui rất mật thiết ngay từ thuở nhỏ khi người mẹ của họ qua đời. Hai anh em là những người con duy nhất của nhà sáng lập ra nước cộng sản Bắc Triều Tiên Kim Il Sung.

Theo ông Choi Jin-wook, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Thống Nhất Quốc Gia của Hán Thành, cho biết tại Bắc Tiều Tiên, lòng tin xuất phát từ những liên hệ huyết tộc. Ông nói :

“Kim Kyong Hui còn rất nhỏ, có lẽ chỉ độ 4 tuổi, khi mẹ chết, và Kim Jong Hui và Kim Jong Il là hai anh em, rất thân với nhau từ ngày đó. Hai anh em côi cút từ nhỏ, nên rất thân nhau.”

Người ta ít khi nào nghe thấy tên bà Kim Kyong Hui , 64 tuổi, cho mãi đến tuần này, khi bà được phong quân hàm đại tướng và trao cho địa vị ủy viên thực thụ của chính trị bộ đảng Lao Động. Chồng bà, Jang Song Taek được coi là nhân vật thứ nhì của ông Kim Jong Il. Ông ta là phó chủ tịch của Quân Ủy Trung Ương và giờ đây là một ủy viên dự khuyết của Chính Trị Bộ.

Ông Andrei Lankov, một chuyên gia nghiên cứu về Bắc Triều Tiên, cho biết dường như ông Kim Jong Il đã giao phó cho cặp vợ chồng này nhiệm vụ chuẩn bị cho người con trai Kim Jong Un của ông còn trẻ tuổi, không có kinh nghiệm, lên nắm giữ vai trò lãnh đạo. Ông Lankov nói:

“Điều có lẽ sẽ xảy ra là trong trường hợp ông Kim Jong Il chết bất thình lình, cặp vợ chồng này, cô và dượng của Kim Jong Un, sẽ trở thành một loại như nhiếp chính của hoàng gia. Đây là những người sẽ nắm quyền lực của quốc gia và là những người sẽ thực sự giữ quyền quyết định.”

Một số các nhà phân tích tình hình về Bắc Triều Tiên cho biết không phải lúc nào người em rể của ông Kim jong Il cũng được tin cậy. Năm 2004 ông ta biến mất trên chính trường trong khoảng thời gian một năm rưỡi. Theo một học giả của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Woodrow Wilson tại Washington, ông Ryoo Kihl-jae, thì Jang Song Taek đã là nạn nhân tạm thời của một cuộc đấu đá chính trị nội bộ. Ông nói:

“Ông ta bị giáng xuống một chức vụ khiêm nhường. Sau đó tái xuất hiện trong một chức vụ quan trọng, và khi Kim Jong Il bị đột quị, ông ta lại leo lên một chức vụ cao hơn.”

Cao hơn tới một địa vị rất được tín cẩn và ngay cả là một bạn nhậu của ông Kim Jong Il nữa. Giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên có lề lối giữ kín những chuyện cá nhân và chuyện chính trị, vì thế các nhà phân tích tình hình phải trông cậy vào những câu chuyện do những người đào thoát thuật lại và đành phải tìm cách đoán để lý giải những thay đổi.

Chuyên gia Choi Jin-wook cho biết ông tin là ông Jang Song Taek từng bị thanh trừng trước đây vì ông ta có quan hệ cá nhân với những người theo ông ta, vi phạm một luật lệ bất thành văn trong chính trị Bắc Triều Tiên:

“Chuyện đó không thể nào được dung chấp trong chế độ chính trị Bắc Triều Tiên. Ông Kim Jong Il phải được coi là lãnh tụ duy nhất toàn quyền kiểm soát quốc gia. Nhưng ông Jang Song Taek đã đóng một vai trò nổi trội hơn, và ông ta đã được nhiều người trong đảng, trong chính phủ và ngay cả trong quân đội theo, nên ông ta bị thanh trừng.”

Theo ông Ryoo, nhà phân tích tình hình Triều Tiên, thì chính sức hấp dẫn của ông Jang Song Taek mà nhiều người trong chính phủ đã theo ông, và đó cũng chính là điều đã từng giúp ông chinh phục được bà vợ:

“Họ gặp nhau thời còn sinh viên. Lúc đó ông ta rất đào hoa. Ông ta hát hay, có óc khôi hài và khá điển trai.”

Theo một số các quan sát viên thì tình cảm giữa hai người lúc đó đã bị cấm đoán. Chuyện còn kể rằng cha của bà Kim, tức lãnh tụ Kim Il Sung, đã cấm con gái không được gặp Jang Song Taek, và cấm cả cậu Jang Song Taek không cho bén mảng đến thủ đô Bình Nhưỡng. Cũng theo các quan sát viên thì bà Kim Kyong Hui, được biết là bướng bỉnh và nóng tính, đã đi theo người bạn trai và rồi sau này kết hôn với ông ta.

Nhưng chuyên gia Lankov coi những câu chuyện như vậy chỉ là chuyện tưởng tượng. Ông không muốn phân tích chuyện hôn nhân của cặp vợ chồng này; thay vào đó ông xét tới quan hệ giữa những lãnh đạo trẻ và những người “nhiếp chính.”

Xét trong lịch sử thì những quan hệ đó là những quan hệ rất căng thẳng, và Bắc Triều Tiên không phải là ngoại lệ thế nhưng theo ông, giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên biết rằng đoàn kết là điều chủ yếu để cho nước Bắc Tiều Tiên cộng sản sống còn. Ông Lankov nhận định:

“Họ phải chùm dúm với nhau, bằng không thì họ sẽ bị xử tội, bị hành quyết từng người một.”

Đại hội đảng Lao Động lần này là một trắc nghiệm đầu tiên trước công chúng về sự đoàn kết của giới lãnh đạo. Nhưng theo giới phân tích thời cuộc thì cuộc trắc nghiệm thực sự sẽ không phải là trắc nghiệm về những căng thẳng trong gia đình ông Kim, mà là giữa đảng cầm quyền ở Bắc Triều Tiên với lực lượng quân đội của nước này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG