Đường dẫn truy cập

Nhật và Đông Timor 'vô cùng quan ngại' về hoạt động chiếm giữ Biển Đông


Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Tokyo ngày 15/3/2016.
Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc họp báo chung tại Tokyo ngày 15/3/2016.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp hôm 15/3, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Đông Timor Taur Matan Ruak nói họ “vô cùng quan ngại” về việc chính phủ Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông một cách hung hăng thái quá. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo không lên án Trung Quốc một cách rõ ràng, dù đưa ra cam kết “chống lại bất cứ hành động đơn phương nào có thể thay thế nguyên trạng và làm tăng căng thẳng”.

Tổng thống Đông Timor vừa thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Nhật Bản. Hai nước thông báo Nhật sẽ cấp viện trợ phát triển 44 triệu đôla cho đất nước Đông Timor nhỏ bé. Nhật cũng sẽ giúp nước này phát triển hạ tầng an ninh hàng hải.

Tuyên bố chung Nhật Bản-Đông Timor là một động thái gây ngạc nhiên của Đông Timor, nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Việt Nam, Philippines và một số nước khác. Đông Timor chưa bao giờ bày tỏ quan điểm về vấn đề này, và đã nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về tuyên bố chung vừa kể.

Hồi tháng 9/2015 Tổng thống Ruak đã thăm Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cấp thêm viện trợ phát triển cho nước này. Hồi tháng 1 năm nay, các tàu chiến Trung Quốc đã ghé thăm Đông Timor.

Trong khi Đông Timor là một bên mới xuất hiện trong căng thẳng ở Biển Đông, Nhật Bản từ lâu đã có lập trường chống việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở một số thực thể thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.

Ngoài ra, Nhật đã trợ giúp hai nước lớn tiếng phản đối Trung Quốc nhất – Việt Nam và Philippines – khi họ cố gắng đẩy bật Trung Quốc khỏi lãnh thổ của họ. Nhật Bản mới đây cũng tuyên bố sẽ cử tàu ngầm đến thăm Việt Nam và Philippines.

Bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng của Trung Quốc, Nhật Bản được kêu gọi tham gia cùng các cường quốc khác là Mỹ, Australia và Ấn Độ để kiềm chế Bắc Kinh.

Liên quan đến vai trò của Mỹ và Nhật Bản trong đối phó với Trung Quốc, Giáo sư chính trị quốc tế Ryo Sahashi thuộc trường Đại học Kanagawa nói “Chúng ta phải khuyến khích Mỹ ở lại nơi này”.

Ngoài ra, đảng cầm quyền ở Nhật đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Abe cân nhắc khiếu nại ra tòa trọng tài quốc tế về việc Trung Quốc tiến hành khoan ở Biển Hoa Đông có tranh chấp. Nếu việc khiếu nại diễn ra, Nhật Bản cũng sẽ tìm kiếm một trình tự pháp lý giống Philippines làm với một tranh chấp khác đang diễn ra.

Ông Yoshiaki Harada, trưởng tiểu ban phát triển tài nguyên ở Biển Hoa Đông nói: “Nếu Trung Quốc từ chối lời đề nghị, cần phải có hành động”. Ông nói thêm: “Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta không nên ngần ngại đưa vấn đề ra tòa trọng tài quốc tế, và cần cân nhắc bắt đầu chuẩn bị cho một bước đi như vậy”.

Theo Breitbart, Asahi Shimbun, Morning News USA.

XS
SM
MD
LG