Đường dẫn truy cập

Sử gia: ‘Đảng Cộng sản biết huy động sức dân trong trận Điện Biên Phủ’


Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ
Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ

Khả năng huy động ồ ạt sức người và vật chất và sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc đã giúp quân Cộng sản giành chiến thắng trước người Pháp trong trận Điện Biên Phủ, các nhà nghiên cứu nhận định nhân dịp tròn 70 năm cuộc chiến này.

Trong lúc này, các lực lượng Việt Nam đang tập dượt rầm rộ cho buổi lễ diễn binh, diễn hành kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra vào ngày 7/5 tới tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, tây bắc Việt Nam.

Buổi lễ có sự tham gia 12.000 người, trong đó có lực lượng của pháo binh và không quân, truyền thông và trong nước đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cũng đã đến Việt Nam hôm 5/5 để tham gia lễ kỷ niệm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, mà các sử gia Việt Nam ca ngợi là ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’, đã chấm dứt ách đô hộ gần 100 năm của người Pháp ở Việt Nam, nhưng lại mở ra cục diện đất nước bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau trong hơn 20 năm kế tiếp.

Nhân dịp này, truyền thông trong nước đã rầm rộ đưa tin, bài nói về những nguyên nhân và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này, trong đó nhấn mạnh ‘sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản’ với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh của chiến dịch.

‘Sức mạnh toàn dân’

“Thắng lợi đó thể hiện được sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, tiến hành cuộc kháng chiến được gọi là ‘thần thánh’,” Đại tá, Tiến sỹ Lê Thanh Bài, phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, được trang mạng VnExpress dẫn lời nói.

Đại tướng Henri Navarre, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đã biến lòng chảo Điện Biên Phủ thành một ‘tập đoàn cứ điểm’ phòng ngự vững chắc mà họ cho là ‘bất khả xâm phạm’ với niềm tin rằng quân cộng sản không thể đưa pháo lên những điểm cao quanh lòng chảo để nhắm bắn vào quân Pháp, ông Bài phân tích.

“Tuy nhiên, người Pháp đã không tính đến yếu tố quan trọng nhất là con người. Họ không thể tưởng tượng chỉ bằng sức người, cùng tời quay, chúng ta đã đưa cả pháo 105 mm vượt qua những quãng đường lầy lội, đèo dốc tới 60 độ,” sử gia của chính quyền cộng sản nói với VnExpress. “Chỉ bằng đôi vai trần, những cuộn dây thừng, các chiến sĩ đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn nhích từng mét. Nhiều người đã ngã xuống trong khi kéo pháo.”

Ông cho biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam đã huy động được hàng chục ngàn thanh niên xung phong phối hợp với công binh mở hàng trăm cây số đường. Ngoài ra, trên 261.000 dân công đã vận chuyển hơn 25.000 tấn gạo, 1.200 tấn đạn, 1.700 tấn xăng dầu để phục vụ cho chiến dịch.

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ người Mỹ Christopher Goscha, chuyên gia về chiến tranh Đông Dương, cũng thừa nhận khả năng huy động lực lượng của Đảng Cộng sản.

“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho dù chúng ta có đồng ý với bản chất cộng sản của họ hay không, đã vận hành một nhà nước có khả năng huy động sức người, sức của và vũ khí theo một cách thức hiện đại tinh vi,” Giáo sư Goscha viết trong email gửi VOA.

Theo lời ông thì mặc dù người Pháp cho rằng Điện Biên Phủ là ‘bất khả xâm phạm’ đối với quân cộng sản, nhưng quân cộng sản cũng tin tưởng rằng họ có lợi thế ở Điện Biên Phủ sau khi họ đã không thể giành thắng lợi ở vùng đồng bằng sông Hồng nên họ mới tìm cách kéo quân Pháp lên vùng đồi núi ở tây bắc.

Giáo sư Goscha hiện đang giảng dạy tại khoa Sử thuộc Đại học Québec ở Montréal (Université du Québec à Montréal - UQAM) và là tác giả nhiều đầu sách về lịch sử Việt Nam, trong đó có cuốn ‘The Road to Dien Bien Phu – A History of the First War for Vietnam’, tức ‘Con đường đến Điện Biên Phủ - lịch sử cuộc chiến thứ nhất của Việt Nam’, được xuất bản hồi năm 2022.

Theo lời ông thì người Pháp đã ‘đánh giá thấp khả năng của đối phương kéo pháo vào trận địa trong khi quân cộng sản có một lực lượng hùng hậu các dân công vận chuyển vũ khí và pháo vào các điểm cao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ’.

“Cuối cùng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm nên chiến thắng Điện Biện Phủ và đánh bại quân Pháp với pháo binh tương tự như trong Đệ nhất Thế chiến,” ông nhận định.

“Không có một cuộc chiến chống thực dân nào trong thế kỷ 20 được như trận Điện Biên Phủ, không có ở Algeria và cũng không có ở Indonesia,” ông nói thêm.

Quân đội cộng sản đã mất ‘9 năm làm một Điện Biên’ – như câu thơ của ông Tố Hữu, từ ngày đầu tiên ông Võ Nguyên Giáp thành lập đội quân vũ trang vào cuối năm 1944. Tiến sỹ Lê Thanh Bài cho rằng quân đội Việt Nam đã ‘đi từ không có gì’ đến chiến thắng.

Vai trò của Trung Quốc

Trả lời câu hỏi của VOA về điều gì khiến quân cộng sản làm được như thế, Giáo sư Goscha chỉ ra ‘hỗ trợ quân sự của Trung Quốc’.

“Nếu không có các khẩu pháo (do Trung Quốc viện trợ), họ sẽ không bao giờ thắng được ở Điện Biên Phủ,” ông khẳng định. Bên cạnh viện trợ vũ khí, Trung Quốc còn gửi đoàn cố vấn quân sự sang hỗ trợ những người đồng chí Việt Nam.

Trên tờ Nhân dân, Thiếu tá Lê Minh Nam cũng thuộc Viện Lịch sử Quân sự cho biết để hỗ trợ cho Việt Nam mở chiến dịch Điện Biên Phủ sau quyết định của Bộ Chính trị vào cuối năm 1953, chính phủ Trung Quốc đã ‘gấp rút gửi sang Việt Nam hơn 3.000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, hơn 10.000 thùng dầu và 200 ô-tô’.

Ngoài ra, đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã cùng với các tướng lĩnh Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch tác chiến và chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng theo Thiếu tá Nam viết trên Nhân dân.

“Nhưng chính quyền và quân đội Việt Nam biết cách biến sự giúp đỡ của Trung Quốc thành sức mạnh trên thực tế. Nếu họ không biết cách căn chỉnh và bắn khẩu pháo, thì vũ khí Trung Quốc là vô dụng,” Giáo sư Goscha nói với VOA.

Tuy nhiên, khác với nhà sử học người Mỹ này, Tiến sỹ Lê Thanh Bài mặc dù thừa nhận rằng Việt Nam ‘không thể đi tới thắng lợi nếu không có sự ủng hộ, hỗ trợ từ Trung Quốc, Liên Xô’ nhưng cho rằng ‘sức mạnh nội lực của Việt Nam vẫn là quan trọng nhất’.

“Giả sử như quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có bại trận ở Điện Bên Phủ thì cục diện ở Đông Dương vẫn sẽ không thay đổi,” ông Goscha nói. “Họ có giới lãnh đạo, khả năng huy động của Nhà nước và sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc để tiếp tục kháng chiến.”

Ý nghĩa của chiến thắng

“Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa đánh bại một đế quốc xâm lược,” Đại tá Lê Thanh Bài nói với VnExpress. “Điều đó đã khích lệ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới phát triển mạnh, đặc biệt ở châu Phi.”

Giáo sư-Tiến sỹ Christopher Goscha cho rằng với chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cộng sản đã đánh bại người Pháp trong một cuộc chiến hiện đại và được lên kế hoạch đối phó kỹ lưỡng.

“Nó giúp họ giành được độc lập cho ít nhất nửa phần lãnh thổ phía bắc của Việt Nam với hy vọng sẽ có giải pháp chính trị sau Hiệp định Geneva để thống nhất đất nước,” ông cho biết.

Còn đối với người Pháp, họ đã có một thất bại ‘bẽ mặt’ bởi lẽ quân cộng sản không tiến hành chiến tranh du kích mà là chiến tranh chính quy ở Điện Biên Phủ. Trong khi đó, người Mỹ nhìn vào thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ ‘với rất nhiều lo lắng’, cũng theo lời ông Goscha.

“Người Mỹ lúc đó chưa sẵn sàng để can dự trực tiếp. Nhưng họ chuyển từ chỗ ủng hộ quân Pháp sang ông Ngô Đình Diệm ngõ hầu giữ cho ít nhất nửa phía nam của Việt Nam không nằm trong tay cộng sản,” ông nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG