Đường dẫn truy cập

Căng thẳng leo thang trong tranh chấp Biển Đông


Người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma trên đường phố ở Hà Nội, ngày 14 tháng 3, 2016.
Người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành tưởng nhớ 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma trên đường phố ở Hà Nội, ngày 14 tháng 3, 2016.

Các cuộc biểu tình tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh tại Gạc Ma diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội đang gia tăng, trong khi Hà Nội, Nhật Bản và Hoa Kỳ leo thang cuộc khẩu chiến ngoại giao để đáp lại những chuyến bay của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa, và việc Trung Quốc triển khai một hệ thống phi đạn.

Bản tin của đài al-Jazeera hôm nay nêu bật tình hình căng thẳng trong khu vực, và đề cập đến việc Hoa Kỳ điều tàu tới gần các đảo do Trung Quốc xây trong Biển Đông để thực thi quyền tự do hàng hải, trong khi Nhật Bản đạt nhiều thoả thuận quốc phòng với Philippines trước các hành động quân sự hoá Biển Đông của Bắc Kinh.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam tố cáo Trung Quốc là đã có những hành động đe dọa hoà bình và “đẩy mạnh quân sự hoá” Biển Đông.

Đài al-Jazeera tường thuật rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam có những liên hệ mật thiết, mức độ tin cậy lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây đã bị xói mòn vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Tờ Sydney Morning Herald của Australia nhắc đến vụ Philippines kiện Trung Quốc ra trước toà án trọng tài quốc tế về những tuyên bố chủ quyền Biển Đông, giữa lúc tòa án ở La Haye đang sắp sửa đưa ra phán quyết về vụ kiện này.

Bản tin hôm nay nói rằng những tình cảm bài Trung Quốc chưa bao giờ cao đến mức độ này, vì những hành động đơn phương của Trung Quốc tại các ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines và những vùng biển giàu tài nguyên mà Manila cũng tuyên bố chủ quyền.

Bài báo dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, một học giả tại Manila là tác giả của quyển sách “Chiến trường mới tại Châu Á: Hoa Kỳ, Trung Quốc và cuộc chiến tại Tây Thái Bình Dương”, nói rằng những hành động quyết đoán của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền Biển Đông đã khơi dậy những tình cảm bài Trung Quốc mạnh mẽ tại quốc gia có 100 triệu dân này, và sự thể này sẽ có ảnh hưởng tới cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra ở Philippines trong năm nay.

Toà án trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết trong vụ kiện bước ngoặt này trong nay mai. Giáo sư Heydarian nói rằng Bắc kinh có thể chọn làm ngơ phán quyết do toà án quốc tế đưa ra nhưng Trung Quốc sẽ phải trả một giá rất cao về ‘quyền lực mềm’.

Bài báo của Sydney Morning Herald cho rằng phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết mà toà án quốc tế tại La Haye đưa ra trong nay mai, nhất là nếu toà phán Trung Quốc thua cuộc, là chỉ dấu cho thấy các ý định tương lai của Bắc Kinh đối với vấn đề là siêu cường đang lên ở Châu Á này muốn dùng vũ lực quân sự áp đảo để tìm cách làm bá chủ khu vực, hoặc chọn tuân thủ các luật chơi quốc tế?

Theo Al-Jazeera, Sydney Morning Herald.

Truyền hình vệ tinh VOA 12/3/2016
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG