Đường dẫn truy cập

Người tị nạn Rohingya muốn trở về Miến Điện


Cộng đồng người Rohingya tại khu tị nạn ở Cox’s Bazar, Bangladesh.
Cộng đồng người Rohingya tại khu tị nạn ở Cox’s Bazar, Bangladesh.

Người Hồi giáo Rohingya đã sang Bangladesh lánh nạn nay muốn quay về quê ở Miến Điện vì cuộc sống tị nạn quá khắc nghiệt.

Ông Mohammad Shaker, một lãnh đạo cộng đồng Rohingya ở quận Cox’s Bazar của Bangladesh cho biết:

“Người Rohingya đi lánh nạn ở Bangladesh cốt chỉ để cứu lấy mạng sống của mình để thoát nguy cơ bị diệt chủng ở Miến Điện. Arakan, bang Rakhine, là nơi người Rohingya đã sinh sống trong nhiều thế kỷ, là quê cha đất tổ của chúng tôi. Chúng tôi muốn trở về Arakan.”

Ông Nurul Islam, nhà vận động nhân quyền bênh vực người Rohingya ở Anh, nói rằng khi nào còn diễn ra cảnh trấn áp bạo lực chống người Rohingya ở Miến Điện, thì cộng đồng quốc tế còn quan tâm theo dõi để giúp họ tìm tới nơi an toàn ở các nước khác. Nhưng ông cho rằng các nước lớn không theo dõi và giúp người Rohingya trở về quê hương của họ.

Ông Islam, Chủ tịch Tổ chức Quốc gia người Rohingya Arakan nói:

“Hình như cộng đồng quốc tế cho rằng tất cả người Rohingya đều chạy lánh nạn khỏi Miến Điện, và vấn đề của cộng đồng chúng tôi như vậy đã được giải quyết.Thực tế không phải vậy. Cuộc khủng hoảng người Rohingya sẽ không bao giờ được giải quyết cho đến khi nào họ trở về quê hương ở Arakan.”

Kể từ khi người Hồi giáo Rohingya bị tấn công trên diện rộng hồi năm 1978, cộng đồng thiểu số này đã phải chạy khỏi Miến Điện sang Bangladesh và các nước khác vì bị giết hại và ngược đãi.

Hiện nay có khoảng nửa triệu người Rohingya đang ở Bangladesh, trong đó có 90 % là người tị nạn bất hợp pháp, phần lớn sống trong các chòi tạm bợ rải rác khắp miền đông nam Bangladesh.

Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ Bangladesh hoặc cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) thì hầu hết người tị nạn sẽ không thể tự lo liệu lấy hay tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu.

Phần lớn người Rohingya than phiền rằng cuộc sống ở Bangladesh hiện nay quá vất vả trong khi cuộc sống trước đây Miến Điện khả quan hơn.

Nhiều người nói rằng nếu tình hình thay đổi thì họ muốn trở về Arakan.”

Hàng nghìn người Rohingya phải chạy sang Bangladesh kể từ khi quân đội Miến Điện bắt đầu tấn công bang Rakhine cách đây 7 tuần, sau đợt 9 cảnh sát bị giết chết trong một vụ tấn công bằng vũ khí mà chính quyền quy trách nhiệm cho nhóm người Rohingya có vũ trang đã thực hiện.

Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan Kamal nói: “vì lý do nhân đạo” một số người Rohingya chạy lánh nạn vì bạo lực đã được chính phủ Bangladesh cấp quy chế tị nạn.”

Giới lãnh đạo cộng đồng Rohingya cho rằng chính quyền Myanmar đứng phía sau chính sách áp bức người Rohingya vẫn tiếp diễn ở bang Rakhine.

Ông Islam nói với VOA: “Trong mấy tuần vừa qua, các lực lượng an ninh Miến Điện đã tiến vào các khu xóm Rohingya, giết người, hãm hiếp, đốt nhà, gây nhiều hành vi bạo lực. Họ trấn áp người Rohingya một cách dã man để tìm cách xóa bỏ cộng đồng Rohingya, và buộc họ phải chạy ra nước ngoài. Trong tình hình này, không một người Rohingya nào dám trở về Miến Điện . Nhưng ước nguyện của cộng đồng là được trở về quê nhà ở Arakan.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG