Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ, EU họp bàn về các cuộc xung đột toàn cầu


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bà Federica Mogherini, người đứng đầu chính sách ngoại giao EU, bắt tay trước cuộc họp ngày 15/2/2019 ở Bruxelles. (Olivier Hoslet/ Pool Photo via AP)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bà Federica Mogherini, người đứng đầu chính sách ngoại giao EU, bắt tay trước cuộc họp ngày 15/2/2019 ở Bruxelles. (Olivier Hoslet/ Pool Photo via AP)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu của EU gặp nhau hôm 15/2 để bàn về các cuộc xung đột toàn cầu, nhưng về phần lớn tránh đề cập tới Iran, một ngày sau khi Phó Tổng thống Mike Pence tố cáo các đồng minh châu Âu là tìm cách phá hoại các biện pháp chế tài của Mỹ để trừng phạt Tehran.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Pompeo với bà Federica Mogherini, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã được lên kế hoạch trước khi ông Pence quở trách các cường quốc châu Âu tại một hội nghị hòa bình Trung Đông ở Warsaw, Ba Lan, hôm 14/2. Bà Mogherini không có mặt tại hội nghị Warsaw, vì có mâu thuẫn trong lịch trình làm việc tại NATO.

Bà Mogherini, người đã góp công để đạt thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới hồi năm 2015, thỏa thuận mà giờ đã bị chính quyền Tổng thống Trump gạt bỏ, chào đón ông Pompeo tại trụ sở EU ở Brussels. Bà từ chối trả lời câu hỏi dò tìm phản ứng của bà về bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Robert Palladino cho biết bài diễn văn của ông Pence không được nêu lên trong cuộc họp kéo dài một tiếng đồng hồ giữa ông Pompeo và bà Mogherini. Ông miêu tả cuộc gặp gỡ là ‘thân thiện và có tính xây dựng’.

Nói chuyện với các nhà báo tháp tùng ông Pompeo, hỏi liệu bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence chỉ trích các đồng minh, và thỏa thuận hạt nhân với Iran có được đề cập trong cuộc gặp hay không? Ông Palladino nói:

"Tuyệt đối không. Những vấn đề đó không được mang ra thảo luận”.

Vẫn theo ông Palladino, hai nhà ngoại giao cũng không nói tới thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù hai bên thảo luận về các hoạt động gây bất ổn của Iran và sự cần thiết phải chống lại các hoạt động ấy.

Trong một tuyên bố riêng, ông Palladino nói các bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với nhau về những nỗ lực nhằm khôi phục nền dân chủ ở Venezuela. Việc chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, Afghanistan và Ukraine cũng được nêu ra, cũng như hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim sắp sửa diễn ra.

Những lời lẽ cứng rắn bất thường của Phó Tổng thống Mike Pence hôm 14/2 khi ông nói tới các đồng minh của Mỹ như Đức, Pháp và Anh, phản ánh chiến lược của Mỹ muốn cô lập Iran, có khả năng làm tăng them căng thẳng trong các quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Năm ngoái, Hoa Kỳ rút ra khỏi thỏa thuận đạt được với Iran vào năm 2015. Theo thỏa thuận đó, Tehran chấp nhận kiềm hãm chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp chế tài mà các cường quốc tây phương đã áp dụng để trừng phạt Iran.

Phát biểu tại NATO trước những bình luận của Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Năm, bà Mogherini nói duy trì thỏa thuận với Iran là điều rất quan trọng đối với nền an ninh tại châu Âu bởi vì nó ngăn cản Teheran phát triển vũ khí hạt nhân.

Các nước châu Âu nói họ chia sẻ mối lo ngại của Hoa Kỳ về vai trò của Iran tham gia cuộc chiến ở Yemen và Syria, tuy nhiên họ cho rằng rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân là một sai lầm. Và họ hứa sẽ cố gắng cứu vãn thỏa thuận đó, với điều kiện là Iran phải tiếp tục tuân thủ văn kiện này.

Trên thực tế, các công ty châu Âu đã chấp nhận lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran và đã từ bỏ kế hoạch đầu tư vào nước này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG