Đường dẫn truy cập

New Zealand ‘phong tỏa chống dịch có hiệu quả’


Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Christchurch
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở thành phố Christchurch

New Zealand kiểm soát thành công dịch Covid-19 nhờ vào chính sách đóng cửa, hạn chế đi lại và cách ly người từ nước ngoài về, một người Việt hiện sinh sống ở quốc gia này cho biết, nhưng mới đây lại có dấu hiệu lơi lỏng làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát mới.

Sau chuỗi 24 ngày không có ca nhiễm mới, hôm 16/6 hai nữ công dân New Zealand trở về từ Anh quốc đã có kết quả dương tính với virus corona. Điều gây lo ngại là trước đó, hai người này đã được phép cho ra khỏi khu cách ly về nhà ở Wellington thăm người thân đang hấp hối.

Đến hôm 18/8, New Zealand lại thông báo thêm một ca nhiễm mới cũng từ nước ngoài về. Trong khi đó đó, trước những chỉ trích về lỗ hổng trong cách ly, Thủ tướng Jacinda Ardern đã giao cho quân đội nước này giám sát cách ly những công dân New Zealand đi từ nước ngoài và đánh giá lại toàn bộ quy trình cách ly.

Quốc gia châu Đại dương với gần 5 triệu dân này được ca ngợi như là một hình mẫu thành công trong chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 20/6, nước này đã báo cáo trên 1.500 ca nhiễm và 22 ca tử vong.

Hôm 8/6, New Zealand đã dỡ bỏ tất cả mọi hạn chế đi lại trong nước để đưa đời sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì lệnh cấm nhập cảnh đối với mọi công dân nước ngoài trừ những người có quốc tịch New Zealand và tất cả những ai về New Zealand đều phải trải qua hai tuần cách ly bắt buộc.

‘Tuân thủ chặt chẽ’

Từ thành phố Aukland, anh Dương Văn Long, một nhân viên ngân hàng đã sống ở New Zealand được 5 năm cho biết dư luận nước này hiện đang chỉ trích chính phủ của bà Ardern vì đã để cho hai người nhiễm virus corona thoát khỏi khu cách ly.

“Hai trường hợp này trước khi được thả khỏi khu cách ly không hề được xét nghiệm gì cả. Khi ra ngoài họ đã tiếp xúc với nhiều người khác,” anh Long nói. “Đó là điều đáng tiếc.”

“Cả người dân lẫn truyền thông đều chỉ trích việc này vì mọi người đã tuân thủ chặt chẽ lệnh phong tỏa mới được kết quả như ngày nay mà bây giờ tự nhiên có thêm ca nhiễm như vậy,” anh nói thêm.

“Mọi người sôi sùng sục trong ngày đầu biết tin, nhưng bây giờ mọi người theo dõi tình hình cũng chưa thấy thay đổi nhiều lắm.”

Anh nói anh đang mong là hai người phụ nữ này trong thời gian ra ngoài ‘chưa phát tán virus cho nhiều người khác’. Hiện giờ chính phủ New Zealand đang truy dấu tiếp xúc của hai người phụ nữ này trong hành trình đi từ Aukland đến Wellington, báo chí nước này cho biết trong khi Thủ tướng Ardern nói bà sẽ tạm thời ngưng lại việc cho ngoại lệ cách ly vì lý do trắc ẩn.

Ngoài trường hợp đáng tiếc này, anh Long nói chính phủ của bà Ardern đã thành công trong việc chống dịch Covid-19.

“Chính phủ ra quyết định tương đối sớm. Người dân từ các doanh nghiệp cho đến dân thường đều tuân thủ chặt chẽ lệnh phong tỏa,” anh cho biết.

New Zealand đã hạn chế người dân ra ngoài trừ những việc thiết yếu từ cuối tháng Ba cho đến cuối tháng Năm. Trong thời gian đó, anh Long nói ‘anh quan sát thấy rất ít trường hợp vi phạm’.

Theo lời anh thì tại các chỗ đông người như siêu thị luôn có cảnh sát để đảm bảo mọi người giữ khoảng cách giao tiếp với nhau và khi ra đường ‘đa số người dân đều đeo khẩu trang’.

Anh cũng cho rằng chính phủ đã làm đúng khi đóng cửa biên giới với tất cả các nước. “Nếu không thì rất khó kiểm soát vì đất nước New Zealand dân số thì ít mà khách du lịch rất nhiều. Nếu cho vào ồ ạt thì không biết sẽ như thế nào,” anh giải thích.

Người nhân viên ngân hàng này ca ngợi công tác thông tin, truyền thông của chính phủ về tình hình dịch bệnh mà theo lời anh là minh bạch, rõ ràng và kịp thời để người dân biết cách ứng phó.

“Trong thời gian đóng cửa, tôi thấy khá là yên tâm vì theo dõi số liệu hàng ngày thấy số ca nhiễm xuống rất nhanh. Mọi người lúc đó tin tưởng rằng lệnh phong tỏa sẽ sớm được dỡ bỏ,” anh cho biết.

Bên cạnh đó, New Zealand cũng có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và người dân bị mất công ăn việc làm, anh Long cho biết. Theo đó, các doanh nghiệp được chính phủ cho vay ưu đãi để trả lương cho nhân công còn những người mất việc vì dịch bệnh được lãnh 500 đô la New Zealand mỗi tuần trong vòng 12 tuần.

Bản thân anh Long vẫn làm việc ở nhà và vẫn được hưởng lương đầy đủ nên không được chính phủ hỗ trợ gì hết, anh cho biết.

‘Thu phí cách ly’

Tuy nhiên, anh Long cũng cho rằng chính phủ của bà Ardern đã làm không tốt việc cách ly khi ‘để thoát hai người nhiễm bệnh ra ngoài.’

Về việc cách ly người đi từ nước ngoài về, khác với Việt Nam, anh Long cho biết New Zealand thu phí những người bị cách ly.

Ngoài ra, anh phê phán chính phủ đã chậm đóng cửa đất nước khi dịch đã bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Anh cho rằng nếu đóng cửa sớm hơn thì New Zealand ‘đã không có trên 1.000 ca nhiễm như thế’

“Thời gian đầu có đóng cửa biên giới với Trung Quốc nhưng lại tiếp tục mở cửa cho Mỹ và châu Âu. Vì lẽ đó mà số người bệnh đến từ châu Âu và Mỹ,” anh nói.

Hiện tại cuộc sống ở New Zealand đã trở lại bình thường, anh Long cho biết, chỉ trừ việc chưa cho mở cửa biên giới nên ‘ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn’.

Tuy nhiên, anh nói rằng nếu New Zealand mở cửa lại thì ‘cần phải có chọn lọc’ và ‘kiểm soát chặt chẽ những người đi đến’.

“Trong việc này tôi chưa thấy yên tâm lắm,” anh cho biết.

Về cuộc sống của người Việt ở New Zealand giữa dịch bệnh, anh cho biết do đặc thù người Việt làm ăn nhỏ nhiều nên khi bị đóng cửa ‘họ không có thu nhập, trừ những người có tiền dành dụm thì còn trụ được, chứ còn như chủ quán ăn, chủ tiệm nail các thứ phải trả nợ ngân hàng thì họ gặp rất nhiều khó khăn’.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG