Đường dẫn truy cập

Mỹ thúc đẩy viện trợ Ukraine và chống lại các tập tục thương mại của Trung Quốc


Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen họp báo trước hội nghị các Bộ trưởng Tài chánh G7 tại Stresa, Ý, ngày 23/5/2024.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen họp báo trước hội nghị các Bộ trưởng Tài chánh G7 tại Stresa, Ý, ngày 23/5/2024.

Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng sự hỗ trợ để tăng thêm tiền cho Ukraine từ các tài sản bị đóng băng của Nga và đoàn kết chống lại các tập tục thương mại của Trung Quốc khi các bộ trưởng tài chính của Nhóm Bảy nền dân chủ giàu có G7 khai mạc cuộc họp kéo dài hai ngày hôm 24/5 tại bờ biển Lago Maggiore tuyệt đẹp của miền bắc nước Ý.

Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đang thúc đẩy tại cuộc họp ở Stresa “các giải pháp tham vọng hơn” để giải phóng tiền từ khoảng 260 tỷ đô la dự trữ của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở châu Âu và Hoa Kỳ sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Viện trợ cho Ukraine đã trở nên cấp bách hơn khi tình hình tài chính của Kyiv có vẻ lung lay hơn trước viễn cảnh cuộc xung đột sẽ kéo dài đến năm sau và hơn thế nữa, cũng như khi Nga tăng cường phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự như các nhà máy điện.

Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật cho phép chính quyền Biden tịch thu tài sản trị giá khoảng 5 tỷ đô la của Nga ở Hoa Kỳ, nhưng phần lớn số ngân quỹ này đều ở châu Âu. Viện dẫn những lo ngại về mặt pháp lý, các quan chức châu Âu đã ngần ngại tịch thu số tiền này và giao cho Ukraine như một khoản bồi thường cho sự tàn phá do Nga gây ra. Thay vào đó, họ dự định sử dụng tiền lãi tích lũy từ tài sản, nhưng số tiền đó chỉ khoảng 3 tỷ đô la một năm - tương đương nhu cầu tài chính trong một tháng của chính phủ Ukraine.

Các đề nghị bao gồm việc vay mượn dựa trên thu nhập lãi trong tương lai từ các tài sản bị đóng băng để Ukraine có thể được cấp ngay lập tức tới 50 tỷ đô la.

Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Giancarlo Giorgetti cho biết việc trích thêm tiền cho Ukraine “về mặt pháp lý là một cuộc thảo luận rất phức tạp nhưng cũng nhạy cảm về mặt chính trị”.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ca ngợi bà Yellen vì đã gạt bỏ một đề nghị mà ông cho rằng sẽ phá hoại nền pháp quyền quốc tế, đồng thời nói thêm rằng “đề nghị của Mỹ hiện phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông nói: “Hãy so sánh các đề nghị, xem đâu là đề nghị thuận tiện nhất, hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất có thể được đưa ra”. “Điểm mấu chốt không phải là phương pháp mà chúng ta sử dụng, điểm mấu chốt là đảm bảo nguồn tài chính phù hợp, mạnh mẽ và lâu dài cho chính phủ Ukraine.”

Ukraine chi gần như toàn bộ nguồn thu thuế cho quân đội và cần thêm 40 tỷ đô la mỗi năm để tiếp tục trả lương hưu cũng như trả lương cho bác sĩ, y tá và giáo viên. Sự hỗ trợ từ các đồng minh và khoản vay 15,4 tỷ đô la từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế ban đầu được cho là đã đảm bảo ngân sách trong 4 năm, nhưng viễn cảnh về một cuộc xung đột kéo dài đã làm u ám triển vọng trong năm tới.

Bà Yellen cũng kêu gọi một mặt trận thống nhất rõ ràng chống lại các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc đối với khâu sản xuất tấm năng lượng mặt trời, chất bán dẫn và ô tô điện, nói rằng năng lực sản xuất của Trung Quốc vượt quá nhu cầu không chỉ của Trung Quốc mà còn của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và đe dọa sự tồn tại của các công ty cạnh tranh ở cả G7 và các nước đang phát triển. Trước cuộc họp, bà nói rằng các nước cần có lập trường chung để các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng “họ phải đối mặt với bức tường phản đối chiến lược mà họ đang theo đuổi”.

Các bộ trưởng tài chính đang nỗ lực đưa ra các quyết định chung cuộc tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15/6 tại Fasano, vùng Puglia phía nam nước Ý.

G7 là một diễn đàn không chính thức tổ chức hội nghị thượng đỉnh hàng năm để thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế và an ninh. Các quốc gia thành viên là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Đại diện của Liên hiệp châu Âu cũng tham gia, nhưng EU không đóng vai trò là một trong những chủ tịch luân phiên.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG