Đường dẫn truy cập

Mỹ, NATO thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc chiến chống IS


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, ngày 9/10/2014.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, ngày 9/10/2014.

Tổng thư ký NATO và các giới chức Hoa Kỳ phối hợp cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi giáo đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang bị áp lực ngày càng tăng phải ủng hộ thành phố Kobani của Syria ở vùng biên giới đang bị các phần tử chủ chiến bao vây. Như tường thuật của Thông tín viên VOA Dorian Jones từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nói không thể trông đợi họ đơn phương tiến hành một chiến dịch trên bộ, chống lại nhóm Nhà Nước Hồi giáo ở Syria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã dành hai ngày để họp với giới lãnh đạo chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc thảo luận diễn ra giữa lúc thành phố Kobani ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp nguy cơ có thể bị tiến chiếm bởi các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo, đã giao tranh với các chiến binh người Kurd trong nhiều tuần qua.

Tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu của Thổ nhĩ kỳ, ông Stoltenberg hứa NATO sẽ hậu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ, nếu như Nhà Nước Hồi giáo mở một cuộc tấn công trực tiếp chống lại một thành viên của liên minh NATO. Ông nói:

“NATO đang sẵn sàng hỗ trợ tất cả các nước đồng minh trong việc bảo vệ an ninh của họ. Trong nhiều thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã là một nước đồng minh kiên cường, đã đóng góp vào nỗ lực an ninh chung, và sự ổn định của khu vực.”

Nhưng bất chấp những lời trấn an đó, Ngoại trưởng Cavusoglu đã gạt sang một bên bất cứ hành động quân sự đơn phương nào, để hậu thuẫn các chiến binh Kurd ở Kobani.

Thị trấn Kobani có nguy cơ rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo.
Thị trấn Kobani có nguy cơ rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo.

“Trông đợi Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu một chiến dịch quân sự trên bộ một mình, là điều không thực tế. Khi chúng ta đạt được một thỏa thuận chung, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm hết sức mình, nhưng chiến lược của chúng tôi là giải thích cho các đồng minh về thực tế trên thực địa.”

Ông Cavusoglu nói bất cứ hành động can thiệp nào sẽ phải nằm trong khuôn khổ một hành động quân sự rộng lớn hơn, nhằm tạo ra một khu vực trái độn ở Syria, và một khu cấm bay để bảo vệ nó.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng chế độ cai trị Syria của Tổng Thống Bashar al-Assad vẫn là mối đe dọa chủ yếu cho khu vực, chứ không phải là các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng từ chối, không chịu mở các căn cứ không quân của họ để sử dụng cho các cuộc không kích chống các phần tử cực đoan. Lập trường đó, theo các nhà quan sát, đang gây quan ngại, và bực bội tại Washington.

Tướng hồi hưu John Allen, phối hợp viên của liên minh chống Nhà Nước Hồi giáo, đang dẫn đầu một phái đoàn cao cấp của Mỹ, hiện đang họp với giới lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, để bàn về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính xác đóng góp ra sao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG