Đường dẫn truy cập

Mỹ, Hàn tăng áp lực tối đa lên Bắc Triều Tiên


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in điện đàm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in điện đàm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mạnh mẽ ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ tăng áp lực tối đa lên Bắc Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng từ chối những nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc, nói rằng nỗ lực đó "không chân thành."

Hôm thứ Hai 7/8, Tổng thống Moon điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên từ khi Bắc Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lần thứ hai cách đây một tuần.

Cả Washington và Seoul đều nhắc lại sự ủng hỗ lệnh trừng phạt mới của LHQ đối với Bắc Triều Tiên. Lệnh trừng phạt mới này đã được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga nhất trí thông qua vào ngày thứ Bảy 5/8.

Các biện pháp trừng phạt mới có thể khiến Bắc Triều Tiên thất thu 1 tỷ đôla mỗi năm, vốn rất cần thiết để thực hiện chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Lệnh chế tài mới cấm tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Bắc Hàn như than, sắt, chì và hải sản và hạn chế số lao động nước này được phép làm việc ở nước ngoài.

Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nhật Bản hôm Chủ nhật cũng hoan nghênh các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn của LHQ đối với Bắc Triều Tiên và nói rằng đã đến lúc phải áp dụng "áp lực hiệu quả" hơn đối với Bình Nhưỡng thay vì theo đuổi đối thoại.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai đã ra thông báo về cuộc điện đàm của Tổng thống Trump với ông Moon, nói rằng: "Hai nhà lãnh đạo cam kết thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan và thúc giục cộng đồng quốc tế làm theo."

Nhà Xanh, tức phủ tổng thống Hàn Quốc, cũng nhấn mạnh ủng hộ diễn tập quân sự chung với Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Park Soo-hyun của Tổng thống Hàn Quốc phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng: “Hai tổng thống đã quyết định tiếp tục hợp tác để ngăn chặn và đối phó với sự khiêu khích ngày càng gia tăng của Bắc Triều Tiên, dựa trên cơ sở hợp tác quốc phòng vững chắc.”

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về yêu cầu của Seoul đề nghị Mỹ chấp thuận tăng gấp đôi sức công phá của tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc từ 500 kg thuốc nổ lên một tấn và tăng tầm xa lên tối đa là 800 km.

Sau khi Bắc Triều Tiên cho thử tên lửa tầm xa liên lục đia (ICBM) lần thứ hai, Hàn Quốc cũng đồng ý đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ, đảo ngược quyết định trước đó cho rằng phải hoãn vì chờ tiến hành nghiên cứu môi trường mở rộng.

Bắc Kinh phản đối việc Mỹ sử dụng hệ thống phòng thủ tiên tiến trong khu vực vì cho rằng Mỹ có thể sử dụng radar có độ phân giải cao của THAAD để theo dõi các hoạt động quân sự của Trung Quốc. THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung ở trên cao, nhưng THAAD không phải là ICBM.

Hôm Chủ Nhật, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặt nghi vấn tại sao Hàn Quốc cần THAAD sau khi ông gặp Ngoại trưởng Kang Kyung-wha của Hàn Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực ở Manila do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức.

Ông Vương Nghị hỏi: "Liệu THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa? Tôi nghĩ rằng mọi người đều hiểu là THAAD không có khả năng đó.”

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN hôm Thứ Hai 7/8, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha rằng các đề xuất của Seoul nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên là "thiếu sự chân thành."

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Trump, ông Moon nói cần phải cho Bắc Hàn biết là cánh cửa đối thoại vẫn mở, nhưng chỉ mở sau khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tại hội nghị ASEAN ở Manila, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khuyến khích chính quyền ông Moon tiếp tục các nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ liên Triều và giảm nguy cơ xung đột.

Ông nói: "Cảm giác của tôi là Bắc Triều Tiên không hoàn toàn từ chối những đề nghị tích cực của miền Nam.”

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói rằng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ nghiêm túc xem xét đề nghị của Bắc Kinh cho hai bên, đó là phía Mỹ ngưng tập trận ở Hàn Quốc, còn phía Bắc Hàn dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson phát biểu tại Diễn đàn ASEAN rằng việc Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nhất đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Triều Tiên, nhưng nói rằng "khi điều kiện thuận lợi, chúng ta có thể ngồi bàn bạc và có một cuộc đối thoại về tương lai của Bắc Hàn, làm như vậy họ cảm thấy an toàn và thịnh vượng về mặt kinh tế."

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích an ninh khu vực vẫn hoài nghi rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ khó thành công trong việc gây áp lực đòi chính phủ Kim Jong Un đồng ý đàm phán về các điều kiện của Washington, và có những lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt một cách có chọn lọc, như họ đã thực hiện trước đây, vì lo ngại gây ra bất ổn trong khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG