Đường dẫn truy cập

Mỹ công bố thoả thuận kinh tế IPEF, không có Trung Quốc


Tổng thống Joe Biden, phải, gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Dinh Akasaka, Tokyo, ngày 23/5/2022
Tổng thống Joe Biden, phải, gặp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Dinh Akasaka, Tokyo, ngày 23/5/2022

Tổng thống Joe Biden ngày 23/5 phát động kế hoạch để Mỹ giao tiếp kinh tế ở châu Á. Mười ba nước tham gia sẽ tìm cách thực thi các thỏa thuận của mình và quyết định liệu có cho Trung Quốc gia nhập hay không.

Ông Biden dành chuyến công du đầu tiên của mình tới châu Á để chính thức công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF). Trước khi IPEF được công bố, các nhà chỉ trích đã phê bình rằng nó mang lại ít lợi ích cho các nước trong khu vực.

Tòa Bạch Ốc nói IPEF không miễn giảm thuế quan cho các nước tham gia, bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Philippines, nhưng cung cấp một cách để giải quyết các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số.

“Tương lai của nền kinh tế Thế kỷ 21 phần lớn sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trong khu vực của chúng ta”, ông Biden nói khi phát động sự kiện ở Tokyo. “Chúng ta đang soạn ra các quy tắc mới.”

Ông Biden muốn thỏa thuận này sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và các tiêu chuẩn khác trên toàn châu Á. Các nước tham gia IPEF gồm Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Các nước cần phải thương lượng về những tiêu chuẩn mà họ muốn tuân theo, cách thức thực thi, liệu các cơ quan lập pháp trong nước của họ có cần phê chuẩn hay không và làm thế nào để xem xét các thành viên tiềm năng trong tương lai, bao gồm cả Trung Quốc, các quan chức cho hay.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho báo giới biết IPEF đưa ra cho các nước châu Á “một giải pháp thay thế cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề quan trọng đó.”

Trung Quốc đã tỏ ra không quan tâm đến việc tham gia IPEF. Một quan chức Mỹ nói, nhiều tiêu chuẩn mà Washington muốn có sẽ khiến một thỏa thuận như vậy trở nên không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh.

Cùng bị loại khỏi các cuộc đàm phán ban đầu là Đài Loan.

Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, Jake Sullivan, nói với các phóng viên rằng Đài Loan sẽ không tham gia vào cuộc phát động của IPEF nhưng Washington đang tìm cách làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.

IPEF, được giới thiệu ngày 23/5, là một nỗ lực nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc tham gia vào một hiệp định thương mại rộng lớn hơn giống như hiệp định mà ông Trump đã từ bỏ, hiện được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà trước kia được biết đến dưới tên TPP.

Vào tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp riêng ông Biden ngày 23/5, ông cho hay đã nói với Tổng thống Mỹ là Washington nên tái tham gia thỏa thuận ấy.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết hiệp định TPP mà Hoa Kỳ từ bỏ “cuối cùng là một thứ gì đó khá mong manh.”

Bắc Kinh dường như có cái nhìn mờ nhạt về IPEF.

Trung Quốc hoan nghênh các sáng kiến có lợi cho việc tăng cường hợp tác khu vực nhưng “phản đối các nỗ lực gây chia rẽ và đối đầu”, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói trong một tuyên bố. “Châu Á-Thái Bình Dương nên trở thành một vùng đất cho sự phát triển hòa bình, không phải là một đấu trường địa chính trị”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG