Đường dẫn truy cập

Mỹ có sẽ áp dụng biện pháp cắt giảm ngân sách tự động?


Từ trái: Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng nghị sĩ Harry Reid tại trụ sở Quốc hội
Từ trái: Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng nghị sĩ Harry Reid tại trụ sở Quốc hội
Các khoản cắt giảm ngân sách tự động của Hoa Kỳ sẽ bắt đầu hôm nay trong lúc tình hình bế tắc chính trị vẫn tiếp tục ở Washington, gây trở ngại cho việc áp dụng các giải pháp ít đau đớn hơn để đi đến chỗ hạ thấp mức thâm hụt ngân sách. Các phương án giờ chót để giải quyết việc cắt giảm tự động đã thất bại tại Thượng viện, và các cuộc thuơng lượng về ngân sách trong tương lai sẽ được xúc tiến trong lúc kế hoạch tiết kiệm của tất cả các ngành được áp dụng.

Các nhà làm luật có vẻ ngỡ ngàng khi thấy họ bất lực vì không tránh được chuyện cắt giảm ngân sách tự động.

Thượng nghị sĩ John McCain nêu thắc mắc:

“Liệu chúng ta ít ra có thể đi đến một thỏa thuận để ngăn tránh không?”

Câu trả lời trong lúc này là Không. Các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã đề nghị giải pháp vừa giảm công chi vừa đánh thêm thuế để tăng thu cho ngân sách nhưng phe Cộng hòa bác bỏ. Đây là ý kiến của trưởng khối thiểu số Thượng viện Mitch McConnell:

“Đơn giản là người dân Mỹ sẽ không chấp nhận việc thay thế giảm chi theo thỏa thuận đã đạt được giữa hai đảng bằng những khoản tăng thuế.”

Phe Cộng hòa đề nghị giữ nguyên tổng số các khoản cắt giảm công chi là 85 tỉ đôla trong năm nay, nhưng cho Tổng thống Obama được linh hoạt để thi hành kế hoạch này. Lần này, phe Dân chủ lại phản đối. Trưởng khối đa số Harry Reid lập luận:

“Tại sao phía Cộng hoà, trong tư cách là một thành phần của ngành lập pháp, lại nhượng thêm quyền hành cho Hành pháp? Phía Cộng Hoà phải để cho Quốc Hội được thực sự linh hoạt. Linh hoạt cắt giảm những khoản trợ cấp phí phạm, linh hoạt bít kín những lỗ hổng thuế khóa không cần thiết, và linh hoạt yêu cầu những người giàu có nhất phải đóng góp thêm một chút.”

Trong khi ngăn chặn các phương án để tránh cắt giảm tự động, các thượng nghị sĩ cũng luân phiên nhau đả kích biện pháp này. Thuợng nghị sĩ Lindsey Graham lên án những cắt giảm về ngân sách quốc phòng:

“Trời ơi, nếu chúng ta không làm tốt hơn được, thì tất cả chúng ta nên bị sa thải. Sa thải các nhà chính trị để giữ lại các quân nhân.”

Ông Richard Durbin của đảng Dân chủ chỉ trích khái niệm thực thi tiết kiệm trong lúc nền kinh tế còn yếu:

“Cắt giảm chi tiêu vào lúc này có nghĩa là cắt giảm công ăn việc làm, có nghĩa là có ít người đóng thuế lợi tức hơn, và nhiều người hưởng trợ cấp chính phủ hơn. Đó không phải là giải pháp để tăng trưởng kinh tế.”

Một cuộc họp sẽ diễn ra trong ngày hôm nay giữa Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Quốc Hội.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney không chịu đưa ra dự đoán sẽ có bước khai thông nào hay không:

“Không có điều kiện tiên quyết nào cho một cuộc họp như thế này. Đây là cuộc họp với tổng thống, bất kỳ đề tài nào cũng có thể mang ra bàn nếu một thành viên trong nhóm quyết định hoặc đề nghị.”

Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng cắt giảm ngân sách tự động sẽ làm què quặt các chức năng quan trọng của chính phủ; tạo ra nguy hại, đau khổ và bất tiện. Ông khẩn thiết yêu cầu Quốc Hội có hành động. Thượng nghị sĩ McConnell, người sẽ đến họp ở Tòa Bạch Ốc chế nhạo lời cảnh báo của tổng thống.

“Thay vì ra lệnh cho các bộ trưởng của ông cắt giảm phí phạm trong các cơ quan của họ, thì ông lại theo đuổi những người giải quyết tại chỗ, các giáo viên, và gần như mọi thành phần cử tri có thiện cảm.. tất cả là để buộc người dân Mỹ chấp nhận đóng thuế cao hơn. Và ông ấy lại than van là bị bó tay … Và làm như là đấy là lỗi của tất cả mọi nguời khác chứ không phải là lỗi của ông ấy. Thật là vô lý.”

Một khi bắt đầu thi hành cắt giảm ngân sách tự động, chắc chắn là người dân Mỹ sẽ có ý kiến về tác động của nó – và sẽ gán lỗi cho ai. Lãnh đạo của cả hai đảng trong Quốc hội đầy chia rẽ đều hy vọng phần lỗi sẽ được đổ lên đảng đối thủ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG