Đường dẫn truy cập

Mỹ cảnh giác với hệ thống phòng không của Nga tại Crimea


Hệ thống phi đạn đất đối không S-400 của Nga trong một cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ngày 9/5/2015.
Hệ thống phi đạn đất đối không S-400 của Nga trong một cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ngày 9/5/2015.

Hoa Kỳ đang đánh giá ảnh hưởng an ninh của việc Nga vừa triển khai hệ thống phòng không S-400 tại Crimea, một giới chức quân sự Mỹ nói ngày 16/1, cho biết thêm là hệ thống này có thể giúp cho việc phòng không hiện có của Nga mạnh mẽ hơn.

“Điều này không tốt. Đây là điềm không tốt,” một giới chức cao cấp tại Bộ Chỉ huy châu Âu quân đội Mỹ nói với điều kiện dấu tên.

“Chúng tôi chắc chắn chú trọng đến việc này và ý nghĩa của nó như thế nào, liên hệ đến an ninh của Hắc Hải.”

Việc Moscow ngày 13/1 triển khai một sư đoàn phi đạn đất đối không S-400 thứ nhì tại Crimea, lãnh thổ của Ukraine bị Nga sáp nhập vào năm 2014 khiến Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ chế tài Nga.

Nga triển khai sư đoàn S-400 thứ nhất vào mùa xuân năm 2017 gần thị trấn cảng Fedosia. Sư đoàn mới sẽ đặt căn cứ gần thị trấn Sevastopol và sẽ kiểm soát vùng trời giáp ranh với Ukraine, thông tấn xã RIA loan tin.

Giới chức quân đội Mỹ công nhận khó đánh giá mục đích của việc triển khai các phi đạn này. Tuy nhiên bất cứ hệ thống phòng không loại này cũng gia tăng khả năng quân sự của Nga tại Crimea, và tăng cường việc kiểm soát không phận.

Ukraine và các phần tử đòi ly khai thân Nga cáo buộc lẫn nhau trong những ngày gần đây là tăng cường các cuộc tấn công trong vụ tranh chấp này.

3 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong năm nay và khoảng 20 người khác bị thương, theo thống kê của Reuters căn cứ trên dữ liệu hàng ngày của quân đội Ukraine.

Hệ thống phòng không mới, được thiết kế để bảo vệ biên giới Nga, có thể chuyển sang chiến đấu trong vòng chưa đầy 5 phút, thông tấn xã Interfax trích lời ông Viktor Sevostyanov, một cấp chỉ huy trong không lực Nga nói.

Các giới chức Nga đã chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ được loan báo vào tháng 12 năm ngoái cung cấp cho Ukraine vũ khí phòng vệ, mà các giới chức nói bao gồm phi đạn chống tăng Javelin.

Washington trong quá khứ cho rằng loại vũ khí này không hữu hiệu trong việc chiếm lãnh thổ và Tướng thủy quân lục chiến Mỹ Joseph Dunford nói trong một chuyến viếng thăm Brussels trong tuần này là động thái này chỉ có tính cách phòng vệ mà thôi.

“Chính phủ chúng ta tin rằng một quốc gia có quyền tự vệ và sự yểm trợ chúng ta cung cấp cho Ukraine trực tiếp chú trọng đến những khu vực có sai biệt về khả năng,” tướng Dunford nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG