Đường dẫn truy cập

Mỹ cảnh báo Nga khi đề cập tới mối đe doạ chiến tranh ở Ukraine


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ( trái ) gặp người đồng cấp phía Nga Sergey Lavrov bên lề Hội nghị của OSCE tại Stockholm, Thuỵ Điển ngày 02/12/2021.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ( trái ) gặp người đồng cấp phía Nga Sergey Lavrov bên lề Hội nghị của OSCE tại Stockholm, Thuỵ Điển ngày 02/12/2021.

Điện Kremlin hôm thứ 5 lên tiếng bày tỏ lo ngại về khả năng leo thang giao tranh trong cuộc xung đột đòi ly khai ở miền đông Ukraine; trong khi Mỹ đưa ra cảnh báo mạnh mẽ đối với Nga rằng hãy tránh xa Ukraine.

Các quan chức Ukraine và phương Tây đã lo lắng về việc Nga tăng cường quân đội gần khu vực biên giới, dấu hiệu cho thấy về một cuộc xâm lược. Tuy nhiên Moscow khẳng định không có ý định như vậy đồng thời cáo buộc Ukraine và các quốc gia ủng hộ Phương Tây đã đưa ra những cáo buộc về dự tính xâm lực của Nga để che đậy những động thái gây hấn của chính họ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken đã cảnh báo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại một cuộc gặp gỡ hôm thứ 5 tại Stockholm rằng: “nếu Nga quyết định theo đuổi đối đầu thì họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng” và nói thêm rằng “cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng là thông qua ngoại giao.”

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói tại Moscow rằng “ hành động khiêu khích ngày càng gia tăng và mạnh mẽ của chính quyền Ukraine trên đường dây liên lạc giữa 2 bên” làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng phát các hành động thù địch. Ông nói rằng những tuyên bố gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và các quan chức khác chỉ ra rằng “giới lãnh đạo Ukraine không loại trừ một kịch bản sử dụng vũ lực.

Tròng khi đó ông Denis Pushilin, người đứng đầu nước cộng hoà ly khai tự xưng ở Donetsk cho biết trên kênh truyền hình nhà nước Nga rằng ông có thể quay sang Moscow để được hỗ trợ quân sự nếu khu vực này đối mặt với cuộc tấn công của Ukraine.

Các quan chức Ukraine đã bác bỏ ý định giành lại các khu vực nổi dậy bằng vũ lực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, Dmytro Kuleba đã tweet sau cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ở Stockholm rằng “ chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ để phát triển một gói răn đe toàn diện, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt về kinh tế mạnh mẽ để hạn chế Nga khỏi các động thái gây hấn hơn nữa.”

Kuleba cũng nói rằng ông đã nói chuyện với người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrelll về việc đẩy nhanh triển khai các biện pháp trừng phạt hiệu quả về kinh tế đối với Nga nếu Moscow quyết định khởi động tiến trình xâm lược chống lại Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine cũng lưu ý rằng Hội đồng Eu đã phê duyệt hỗ trợ vật chất và kỹ thuật trị giá 31 triệu euro để tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang Ukraine trong các lĩnh vực y tế, kỹ thuật, hoạt động rà phá bom mìn, cơ động, hậu cần và an ninh mạng. Ông nói: “ chúng tôi đánh giá cao bước đi này nhằm tái khẳng định mối quan hệ chiến lược Ukraine – EU.”

Các nước láng giềng trong liên bang Xô Viết trước đây là Nga và Ukraine vẫn mâu thuẫn trong một cuộc chiến căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 sau khi Tổng thống thân điện Kremlin bị lật đổ và tạo ra các cuộc chiến ly khai ở miền đông Ukraine khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo NATO không nên triển khai quân đội và vũ khí tới Ukraine và nói rằng đó là lằn ranh đỏ đối với Nga và sẽ gây ra một phản ứng mạnh mẽ.

Ông cho biết hôm thứ 4 rằng Moscow sẽ tìm kiếm sự bảo đảm của phương Tây để ngăn chặn bất kỳ sự mở rộng và triển khai vũ khí nào của NATO gần biên giới Nga.

Trong khi đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ tái khẳng định rằng Hoa Kỳ có “ một cam kết mạnh mẽ, vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Đề cập đến thoả thuận hoà bình năm 2015 cho miền đông Ukraine do Pháp và Đức làm trung gian và được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus, ông Blinken kêu gọi “ thực hiện đầy đủ các thoả thuận Minsk với việc Nga rút lại lực lượng quân sự của mình.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG