Đường dẫn truy cập

Một ly rượu mỗi ngày có tốt cho sức khỏe?


Giới chuyên môn nói rằng một ly rượu hoặc một cốc bia có thể tốt cho sức khỏe.
Giới chuyên môn nói rằng một ly rượu hoặc một cốc bia có thể tốt cho sức khỏe.

Nhịp tim đập bất thường sau khi uống nhiều ly cocktail là điều thường xảy ra, nhưng một cuộc nghiên cứu mới cho thấy loạn nhịp tim có thể xảy ra chỉ sau một cốc rượu hàng ngày trong khi lâu nay vẫn có lời khuyên rằng một ly rượu vang mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.

Trước nay, giới chuyên môn nói rằng một ly rượu hoặc một cốc bia có thể tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ cũng như giảm được nguy cơ chết vì các lý do tim mạch.

Một ly rượu mỗi ngày có tốt cho sức khỏe?
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:44 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Trần Văn Sáng nhiều năm kinh nghiệm ngành y, một tên tuổi quen thuộc đối với cộng đồng người Việt vùng thủ đô Hoa Kỳ nói với VOA Việt ngữ:

“Hồi đó giờ mình hiểu là uống 1 ly rượu chát đỏ mỗi ngày sẽ tăng chất mỡ tốt HDL để bảo vệ mạch máu không bị nghẹt, làm tăng mỡ tốt chống lại tình trạng đóng mỡ xấu.”

Tuy nhiên, với cuộc nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học xem xét những dữ liệu thu thập từ 900 ngàn người và phát hiện rằng nguy cơ nhịp tim đập bất thường tăng 8% với mỗi cốc rượu tiêu thụ hàng ngày.

Reuters dẫn lời trưởng toán nghiên cứu, Peter Kistler, thuộc Bệnh viện Alfred ở Melbourne, nói rằng: “Nước uống có cồn không hoàn toàn ‘tốt’ cho tim mạch. Rượu bia có lợi cho quá trình cung cấp máu tới cơ tim, nhưng không có lợi cho nhịp tim.”

Cuộc nghiên cứu do bác sĩ Kistler dẫn đầu tập trung vào hiện tượng rối loạn nhịp tim có thể dẫn tới các cục máu đông, đột quỵ, trụy tim, và các biến chứng khác liên quan đến tim mạch. Nếu không chữa trị, rối loạn nhịp tim nhân đôi nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch và có liên hệ tới nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần, theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ.

Về điểm này, bác sĩ Trần Văn Sáng giải thích:

“Uống rượu chát đỏ chỉ giúp được một phần trong vấn đề bảo vệ mạch máu tim thôi. Đối với những người sử dụng rượu, có một số sẽ bị ảnh hưởng trong vấn đề điều khiển nhịp tim đập, nghĩa là họ có nguy cơ bị xáo trộn nhịp tim. Giống như cà phê, có người uống được, người không. Có người uống vô bị tim đập, khó ngủ; nhưng có người uống không bị ảnh hưởng gì hết. Tương tự với rượu, rượu chát có thể ảnh hưởng trên hệ thống điều khiển nhịp tim. Trong tim mình có một trung tâm điều khiển nhịp tim. Nếu trung tâm này không làm việc, người ta gọi là tình trạng xáo trộn nhịp tim do rung tâm nhĩ. Một khi xảy ra xáo trộn này, có một số trường hợp khi có khi không, nếu không được chữa thì chuyển qua tình trạng kinh niên, tức xáo trộn nhịp tim lâu dài và vĩnh viễn.”

Giới chuyên môn khuyến cáo những người có tiền sử bị chứng rung tâm nhĩ cần hết sức đề phòng, nên tránh hoặc giới hạn tiêu thụ nước uống có cồn.

Nguy cơ bị hội chứng loạn nhịp tim, tim đập nhanh bất thường ở phụ nữ và nam giới đều ngang nhau, nhóm nghiên cứu cho biết trong báo cáo vừa đăng tải.

Dù cuộc nghiên cứu này không chứng minh rằng uống thêm một ly cocktail sau bữa tối là nguyên nhân trực tiếp gây ra chứng rung tâm nhĩ, nhưng các nhà chuyên môn đưa ra một số lý thuyết cho thấy tiêu nhiều thời gian trong quán nhậu, chè chén trong các tiệc tùng lễ lạc có thể gây hại cho nhịp tim như thế nào.

Uống rượu có thể trực tiếp làm tổn hại các tế bào tim và dẫn tới những lượng nhỏ mô xơ trong tim gây ra nhịp tim bất thường.

Nghiên cứu cho thấy những người bị chứng rung tâm nhĩ tiếp tục uống rượu bia có nhiều khả năng bị loạn nhịp tim kéo dài thậm chí sau khi đã trải qua phẫu thuật điều chỉnh.

Cơ tim co bóp theo một cách phối hợp bằng chuyển động của các tín hiệu điện giữa các tế bào. Theo thời gian, uống rượu bia có thể làm thay đổi các tín hiệu điện này, gây ra nhịp tim bất thường.

Rượu cũng có thể gây ra nhịp tim bất thường bằng cách kích thích hệ thống thần kinh tự kiểm soát chức năng cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa và hô hấp.

Các tác giả của cuộc nghiên cứu cho rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định các cơ chế cụ thể đằng sau mối quan hệ giữa rượu và loạn nhịp tim vì xáo trộn nhịp tim đôi khi không phải do một yếu tố mà do nhiều yếu tố khác nhau cộng gộp. Nguyên nhân có thể bao gồm vai trò của rượu đối với béo phì, các vấn đề về giấc ngủ và hô hấp cũng như huyết áp cao, theo nhóm nghiên cứu.

Một thách thức đối với cuộc nghiên cứu này cũng như với đa số các cuộc nghiên cứu về tác động của rượu đối với tim mạch là các nhà nghiên cứu dựa vào lời khai của bệnh nhân về lượng bia rượu họ tiêu thụ. Việc này có thể dẫn tới thiếu sót vì thường những người được hỏi nói không đúng lượng tiêu thụ rượu bia của mình.

Trong khi chờ đợi thêm các cuộc nghiên cứu thêm nữa, giới chuyên môn khuyến cáo người tiêu thụ nên hết sức dè dặt và ‘vừa phải.’

Bác sĩ Trần Văn Sáng:

“Lượng uống không được quá nhiều, rất vừa phải, giúp khai vị thôi, nếu không sẽ bị ảnh hưởng của chất cồn trên các bộ phận khác như gan. Trong nghiên cứu này, một lần nữa người ta đã chứng minh là chất alcohol trong rượu chát vẫn có thể tác động lên trên hệ thống dẫn truyền của tim.”

Còn bác sĩ Tim Stockwell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về nghiện rượu, Giáo sư đại học British Columbia ở Vancouver (Canada) thì khuyên rằng nên uống bia rượu cùng với thức ăn, xen với đồ uống không cồn, và luôn luôn phải kiềm chế liều lượng bia rượu ở mức thấp. Những việc này sẽ giảm nguy cơ tim phải tiếp xúc với độc tố gây rối loạn đông máu cardiotoxin.

Một ly rượu mỗi ngày có tốt cho sức khỏe?
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:23 0:00

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG