Đường dẫn truy cập

Mây độc xuất hiện trên vùng biển núi lửa Hawai


Phún thạch chảy ra biển gần Pahoa, Hawaii, ngày 20/5/2018.
Phún thạch chảy ra biển gần Pahoa, Hawaii, ngày 20/5/2018.

Khói trắng a-xít và những tinh thể thủy tinh sắc bén nhỏ li ti bay lên bầu trời Hawaii khi phún thạch từ núi lửa Kilauea đổ ra biển, tạo nên một loại khí độc khác khi núi lửa phun trào cách đây hơn hai tuần: Những đám mây khí độc.

Ngày Chủ Nhật, nhà cầm quyền Hawaii cảnh báo dân chúng tránh xa đám mây khí độc được tạo thành do một phản ứng hóa học khi phún thạch chạm nước biển.

Tại sườn núi cao, phún thạch tiếp tục trào ra từ những kẻ nứt rộng lớn trên mặt đất đổ xuống những khu vực dân cư tại một vùng nông thôn của Đảo Lớn. Phún thạch tạo thành những dòng sông chia đôi các khu rừng và nông trại khi uốn khúc chảy về phía bờ biển.

Tỷ lệ khí lưu-huỳnh đi-ô-xít phun lên từ những đường nứt trên mặt đất tăng gấp ba lần, khiến cho Quận Hawaii phải liên tục cảnh báo về chất lượng không khí. Tại đỉnh núi lửa hai vụ nổ lớn làm tung lên những đám mây tro bụi. Gió thổi hầu hết những đám mây này về phía tây nam.

Các nhà khoa học nói những đám mây hơi nước bốc lên tại nơi phún thạch đổ ra biển chứa đầy a-xít HCL và những phân tử thủy tinh nhỏ li ti có thể làm da và mắt bị ngứa và gây nên những vấn đề về hô hấp.

Khói mù phún thạch được gọi là “laza” lan rộng xa đến 24 kilômét về phía tây nơi phún thạch gặp biển trên bờ biển phía nam của Đảo Lớn. Phún thạch này chảy song song với bờ biển, khoa học gia Thăm dò Địa chất Mỹ Wendy Stovall nói.

Nhà chức trách cảnh báo là đám mây có thể chuyển hướng nếu gió thay đổi.

Lực lượng Tuần duyên cho biết đã thiết lập một vùng an toàn 300 mét chung quanh nơi phún thạch chảy ra biển.

Thống đốc David Ige nói với các phóng viên tại Hilo là chính quyền tiểu bang đang theo dõi núi lửa và giữ cho dân chúng được an toàn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG