Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc: Myanmar thụt lùi về thành tích nhân quyền


Những sinh viên tham gia biểu tình bị bắt giữ và đưa lên xe sau khi bạo lực nổ ra ở Letpadan 10/3/2015.
Những sinh viên tham gia biểu tình bị bắt giữ và đưa lên xe sau khi bạo lực nổ ra ở Letpadan 10/3/2015.

Thanh tra đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình ở Myanmar nói bà nhìn thấy những dấu hiệu đáng lo ngại về sự thụt lùi của chính phủ về các vấn đề nhân quyền. Trong báo cáo đầu tiên trình lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, bà Yanghee Lee ghi nhận chi tiết những vụ trấn áp quyền tự do phát biểu, phân biệt đối xử các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo và những trường hợp sách nhiễu và vi phạm nhân quyền.

Thanh tra LHQ Yanghee Lee cho biết bà lấy làm lo ngại trước sự kiện bà gọi là “Không gian dân chủ bị thu hẹp ở Myanmar.” Bà nói điều này có thể coi như việc sử dụng vũ lực quá đáng của cảnh sát nhắm vào sinh viên trong các cuộc biểu tình mới đây.

Bà nói 127 người sau đó đã bị bắt giữ ở quốc gia còn gọi là Miến Điện.

“Trong một số lãnh vực, sự thụt lùi đã tăng thêm … Nhiều thường dân, người thường, sinh viên, nông gia tìm cách bày tỏ sự bất mãn về những vụ đuổi đất hoặc bất mãn về những chính sách không được lắng nghe thích đáng và đang bị đối xử một cách rất khắt khe… và chúng tôi đã nhìn thấy nhiều người đã bị bắt giữ và bị tổn thương trong tiến trình này.”

Ngoài 27 tù nhân chính trị, thanh tra LHQ nêu ra rằng 14 người biểu tình đã bị kết án sáu tháng tù, 78 nông gia đang thụ các án tù vì xâm phạm đất trưng thu, và thêm 200 nhà hoạt động khác đang tại ngoại hầu tra và chờ ngày ra toà. Bà coi tất cả những người này là tù nhân chính trị và kêu gọi phóng thích họ.

Bà Yanghee Lee bày tỏ sự quan ngại trước sự leo thang giao tranh đáng báo động trong vùng Kokang ở bang Shan miền đông bắc và lên án bạo lực và những vụ vi phạm nhân quyền ở bang Kachin.

Bà nói tình hình người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine vẫn còn rất tệ. Bà nói với đài VOA rằng tình trạng ở các trại mà bà đi thăm chứa khoảng 140.000 người Hồi giáo thực là khủng khiếp.

Bà Lee nói: “Tại các trại Hồi giáo, không có người nào bị thất tán ngay trong nước có được quyền tự do đi lại ra ngoài trại… Các chẩn y viện lưu động đến mỗi tuần một hay hai lần… Vẫn có tình trạng thiếu thực phẩm ở các trại Hồi giáo … Chúng ta có nhiều trẻ em đang được sinh ra ở các trại này và không có dịch vụ nào, dịch vụ y tế, thực phẩm thậm chí cho những trẻ sơ sinh này, và vì thế người lớn phải từ chối bữa ăn.”

Thanh tra đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee (giữa).
Thanh tra đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, bà Yanghee Lee (giữa).

Trong khi đó, chính phủ Miến Điện đã ban hành sắc lệnh rằng những thẻ trắng mà hàng trăm ngàn người Rohingya đang có sẽ hết hạn vào cuối tháng. Các thẻ này là những giấy tờ căn cước dành cho người Hồi giáo được quyền tạm thời cư trú trong nước, ngay cả cho những người sinh ra và sống trong nước từ nhiều thế hệ.

Bà Lee nói xét về triển vọng những gì có thể xảy ra cho người Rohingya khi những thẻ này hết hạn thực là đáng ghê sợ.

Miến Điện dự trù tổ chức Tổng tuyển cử vào cuối năm nay. Thanh tra LHQ kêu gọi thay đổi những điều khoản trong Hiến pháp ngăn trở lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống bởi vì các con trai của bà mang quốc tịch nước ngoài. Bà nói nên để cho mọi người hội đủ điều kiện được bầu lên một cách dân chủ.

Bà Yanghee Lee đã bị công kích và nhục mạ bởi một tu sĩ Phật giáo hồi tháng 1 lúc bà sắp kết thúc sứ mạng kỳ trước ở Myanmar. Cũng vị tu sĩ này, U Wirathu, lại công kích bà để đáp lại báo cáo với Hội đồng, gọi là là “người phụ nữ súc sinh.”

Bất chấp những lời đe doạ, thanh tra LHQ tỏ ý tin tưởng chính phủ sẽ bảo đảm sự an toàn của bà và ban nhân viên của bà trong mọi chuyến đi thăm nước này trong tương lai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG