Đường dẫn truy cập

Hội đồng Bảo An LHQ biểu quyết kết thúc sứ mạng của NATO tại Libya


Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết nhất trí chấm dứt nhiệm quyền của NATO trong chiến dịch cấm bay trên không phận Libya để bảo vệ thường dân Libya khỏi bị các lực lượng trung thành với nhà độc tài Moammar Gadhafi trước đây tấn công. Cuộc biểu quyết vẫn diễn ra cho dù chính phủ lâm thời Libya đã yêu cầu NATO đừng vội chấm dứt hoạt động tại Libya.

Nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc sẽ kết thúc vào lúc 23 giờ 59 phút giờ địa phương Libya, thứ Hai 31 tháng 10, tất cả mọi nhiệm quyền trong nghị quyết 1973, cho phép “ tất cả những biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân Libya.

Nghị quyết trước đó cũng đã được Hội đồng Bảo An nhất trí đồng ý, nhưng sau đó nhiều nước thành viên, trong đó có Nga, Ấn Độ và Nam Phi, bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia đã đi xa hơn là nhiệm quyền cho phép.

Vì thế họ đã dùng lý lẽ này như một cái cớ để không ủng hộ hành động mạnh trong vấn đề Syria và Yemen, là nơi cũng xảy ra những vụ đàn áp bạo động đối với các vụ biểu tình chống chính phủ.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Susan Rice nói tất cả 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An đã biết đích xác những gì mà họ đã ủy nhiệm trong các cuộc thương thuyết về nghị quyết 1973. Bà nói:

“Chúng tôi đã mô tả cặn kẽ rằng nhiệm quyền này sẽ cho phép sử dụng tích cực không lực và các vụ oanh kích để ngăn các lực lượng của Gadhafi tấn công chính nhân dân Libya. Chắc chắn là những nước thành viên của Hội Đồng Bảo An biết rõ họ bỏ phiếu cho điều gì. Giờ đây, có thể đoan chắc là trong lúc mọi chuyện diễn tiến và xảy ra trong khoảng thời gian mấy tháng, có những người cảm thấy không thoải mái với những gì mà họ đã đồng ý. Nhưng nói rằng một số thành viên Hội Đồng Bảo An bị đánh lạc hướng là không đúng."

Ngoài chuyện chấm dứt nhiệm quyền về khu vực cấm bay, nghị quyết mới do Nga và Anh soạn thảo cũng bày tỏ lo ngại về sự lan tràn của vũ khí tại Libya, về những tin cho biết về các vụ tấn công trả thù, những vụ bắt giữ tùy tiện và hành quyết người mà không qua xét xử của tòa án.

Nhưng Hội Đồng Bảo An cũng hoan nghênh một số diễn biến tích cực mới, trông chờ sẽ mau chóng thiết lập một chính phủ chuyển tiếp hợp quần, đại diện cho mọi thành phần xã hội, một chính phủ tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản của nhân dân Libya.

Nghị quyết này không hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí hay những chế tài khác áp đặt trước đây đối với Libya để ngăn chặn Gadhafi không sử dụng bạo lực nhắm vào nhân dân của ông ta.

Pháp là một trong số các quốc gia tiên phong trong việc vận động cho nghị quyết 1973 được chấp thuận 7 tháng trước đây. Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Gerard Araud hoan nghênh nghị quyết mới, nói đây là sự hoàn tất của một số những diễn biến đã lên tới cao điểm, vào lúc Libya tuyên bố giải phóng ngày 23 tháng Mười.

Đại sứ Pháp nói: ”Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng được kết thúc hôm nay, mà căn bản là việc giải phóng Libya với sự hỗ trợ của tất cả các nước muốn góp phần vào nỗ lực tuyệt diệu này.”

Vào thứ Tư, Phó đại sứ Libya tại Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Dabbashi đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An hoãn biểu quyết thêm mấy ngày nữa, nói rằng chính phủ của ông cần thời giờ để lượng định tình hình an ninh và khả năng để theo dõi các biên giới. Nhưng Hội đồng đã làm ngơ trước lời kêu gọi của ông chờ đến khi Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia đưa ra lời yêu cầu chính thức trước khi hành động.

Kế tiếp, Hội Đồng Bảo An sẽ xét tới một nghị quyết do Nga soạn thảo, bày tỏ lo ngại về sự lan tràn của vũ khí tại Libya và ra ngoài cả biên giới nước này. Các nhà ngoại giao cho hay biện pháp này có thể được chấp thuận trong tuần này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG