Đường dẫn truy cập

Mìn bẫy tại Libya kéo dài thêm thống khổ của chiến tranh


Lá cờ đỏ báo hiệu sự nguy hiểm cắm bên cạnh mìn được quân đội Libya đào lên và chuẩn bị tiêu hủy trong chiến dịch dọn quang năm 2008
Lá cờ đỏ báo hiệu sự nguy hiểm cắm bên cạnh mìn được quân đội Libya đào lên và chuẩn bị tiêu hủy trong chiến dịch dọn quang năm 2008

Trong lúc giao tranh gia tăng cường độ tại Libya, các đoàn thể bênh vực nhân quyền đang xét tới những hệ quả lâu dài của cuộc chiến, đó là việc sử dụng mìn bẫy.

Như thể những hiểm nguy của các vụ tấn công bằng rốc két và trọng pháo chưa đủ trầm trọng, giờ đây người dân Libya còn phải đối mặt với vấn đề vừa được đem áp dụng trở lại, đó là mìn chống người và chống xe.

Có những tin cho biết cả đôi bên trong cuộc xung đột đều vẫn đang sử dụng đến những thứ vũ khí chết người này.

Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rigths Watch đã lên án quân chính phủ đã gài mìn ở nam Ajdabiya trong tháng trước. Và một trong những chỉ huy quân nổi dậy cam kết rằng các lực lượng của ông sẽ không sử dụng đến mìn bẫy.

Nhưng trong cuối tuần qua, các nhà báo đã tường thuật rằng họ thấy quân nổi dậy chôn mìn bẫy ở gần cổng phía đông dẫn vào thành phố Ajdabiya.

Xa hơn về phía bắc, ông tài xế ở Benghazi Terek el Mehadawi cho biết ông không mấy lo ngại về khu vực chung quanh thị trấn quê hương của ông, nhưng ông lo cho những nơi khác trong nước.

Ông cho biết những nơi như chung quanh thị trấn Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, hoặc thành phố đang bị bao vây Misrata, có phần chắc sẽ là những nơi bị gài mìn, nhưng rất khó mà biết chính xác các vị trí bị gài mìn.

Đó chính là điều khiến các vũ khí này càng nguy hại hơn cho tính mạng con người. Hầu hết các nạn nhân của mìn bẫy là thường dân. Tại Libya, nạn nhân sẽ là những nông dân và những người chăn mục súc vẫn đi gần các đường lộ nơi gài mìn bẫy.

Đối với người dân Libya đây không phải là chuyện mới. Trong gần 70 năm sau khi quân Anh và quân Đức giao tranh trong những trận chiến ác liệt trên khắp các chiến trường Bắc Phi, mìn bẫy còn sót lại từ thế chến thứ hai vẫn còn chôn vùi dưới những lớp cát.

Ông Simon Brooks, đứng đầu Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế tại Benghazi, nói rằng cần đến giải pháp 2 mặt.

Ông nói: "Ngay từ thời kỳ thế chiến thứ hai cho đến bây giờ, quốc gia này vẫn phải đối mặt với vấn đề mìn bẫy. Và rõ ràng đây là một nơi mà Chữ Thập Đỏ Quốc Tế đã triển khai một biện pháp đặc biệt nhắm đến 2 mặt trận. Một là giáo dục công chúng, để họ hiểu rõ nguy hiểm của mìn bẫy, chúng tôi sẽ sát cánh làm việc với Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ của Libya để đối phó với vấn đề.”

Ông Brooks cho biết phần thứ hai là gỡ mìn bẫy, một tiến trình lâu dài và đầy khó khăn, mà hội sẽ đảm nhận cùng với nhà chức trách tại Benghazi.

Ông giải thích: ”Chúng ta cần phải hợp tác, rõ ràng là với họ, nhưng cũng hợp tác với những thành phần khác sẽ đến đây, bởi vì chúng tôi sẽ không giả đò như thể tầm cỡ của vấn đề này l chuyện chúng tôi một mình có thể đối phó được. Vì vậy sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phải tham gia vào công tác này lâu dài."

Có lẽ sẽ còn bước thứ ba phải làm, là ngăn chặn việc sử dụng mìn bẫy. Nhưng Libya, cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, đã bác bỏ hiệp ước cấm họ sử dụng mìn bẫy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG