Đường dẫn truy cập

LHQ, Anh thúc giục Miến Ðiện cho trợ giúp nhân đạo đến Rakhine


Một gia đình Hồi giáo tự nhận là 'người Hồi giáo Rohingya' tại một trại tị nạn ở phía bắc của Sittwe, bang Rakhine, miền tây Miến Ðiện, ngày 2/4/2014.
Một gia đình Hồi giáo tự nhận là 'người Hồi giáo Rohingya' tại một trại tị nạn ở phía bắc của Sittwe, bang Rakhine, miền tây Miến Ðiện, ngày 2/4/2014.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Ðiện đang hối thúc chính phủ cho phép các nhân viên cứu trợ nước ngoài được quay trở lại tiểu bang Rakhine. Các nhân viên đã bị di tản đi vào tháng trước vì tình hình bất ổn sắc tộc, nhưng Liên Hiệp Quốc cảnh báo việc ra đi của họ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với ít nhất là 140.000 người đang sống trong các trại tạm cư. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Gabrielle Paluch của đài VOA ở Bangkok.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Ðiện tuần này đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tệ hại dài hạn ở bang Rakhine mà ông cảnh báo “có thể lên đến mức độ tội ác chống nhân loại”.

Tại Rangoon, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Pierre Peron nói 140.000 người tại các trại tạm cư cần được giúp đỡ ngay.

“Có những người sẽ cạn hết lương thực trong vòng hai tuần nữa nếu chúng tôi không thể đưa lương thực tới các trại. Chúng tôi đang ở vào lúc cao điểm của mùa khô, mực nước rất thấp và chúng tôi cần phải mang nước đến cho những người cần nó và điều quan trọng nhất là mọi người cần phải được tiếp cận với các dịch vụ y tế và vào thời điểm mà những trường hợp cấp cứu không được chuyển tới các bệnh viện chỉ vì không có các tổ chức phi chính phủ ở đó”.

Trong nhiều năm, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ trích các chính sách của chính phủ từ chối quyền công dân của người Rohingya và hạn chế việc đi lại của họ.
Trong hai năm qua, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã dẫn đến bạo động giữa người Hồi giáo Rohingya và cộng đồng Phật giáo ở bang Rakhine.
Trong hai năm qua, căng thẳng sắc tộc và tôn giáo đã dẫn đến bạo động giữa người Hồi giáo Rohingya và cộng đồng Phật giáo ở bang Rakhine.
Hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải rời bỏ nhà cửa để đến các trại tạm cư, nơi họ phải phụ thuộc vào những trợ giúp quốc tế để sống còn.

Các nhóm cứu trợ nước ngoài đã bị buộc phải rời khỏi đây vào tháng Ba sau khi những đám đông nổi loạn tấn công vào một số văn phòng. Ông Tomas Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Miến Ðiện, cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp xảy ra tại đây.

Ðây là lần thứ nhì ông Quintana nêu ra khả năng là vấn đề ở Rakhine có thể cấu thành tội ác chống nhân loại, nhưng các giới chức Miến Ðiện mà VOA liên lạc đã từ chối trả lời về vấn đề này.

Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Ngoại giao Anh Hugo Swire trong một cuộc họp với đại sứ Miến Ðiện tại London cũng đã nêu ra những quan ngại về vấn đề trợ giúp nhân đạo.

Ông Joseph Fisher là một phát ngôn viên của sứ quán Anh tại Ragoon. Ông cho biết ông Swire hy vọng hối thúc chính quyền cho khôi phục hoàn toàn những hoạt động cứu trợ nhân đạo.

“Kết quả của những diễn biến này là hàng trăm ngàn người ở bang Rakhine, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya, không nhận được những trợ giúp nhân đạo thiết yếu và dịch vụ y tế. Vì vậy, ông thứ trưởng, trong cuộc thảo luận với đại sứ, đã kêu gọi chính phủ Miến Ðiện khẩn cấp khôi phục việc tiếp cận nhân đạo cho tất cả các cộng đồng đang cần đến chúng và bảo đảm an ninh cho các nhân viên cứu trợ và tất cả cộng đồng ở bang Rakhine”.

Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf thúc giục chính quyền Miến Ðiện hủy bỏ lệnh hạn chế du hành đối với các nhân viên cứu trợ. Miến Ðiện tuyên bố là việc hạn chế này được đặt ra vì sự an toàn của các nhân viên cứu trợ.

Theo lịch trình đã định, một ủy ban điều tra của chính phủ về những vụ tấn công ở Sittwe sẽ trình bày kết quả điều tra cho tổng thống vào thứ Hai, nhưng chính phủ chưa loan báo kết luận của ủy ban này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG