Đường dẫn truy cập

Lập trường của ứng viên Tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh toàn cầu


Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử, 4 năm tới sẽ có nhiều thách thức hơn đối với Tổng thống Hoa Kỳ
Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử, 4 năm tới sẽ có nhiều thách thức hơn đối với Tổng thống Hoa Kỳ
Với phần lớn Trung Đông đang xáo trộn, khả năng chiến tranh về chương trình hạt nhân của Iran, và mối đe dọa ngày càng tăng của al-Qaida tại châu Phi, những thách thức an ninh toàn cầu Tổng thống Mỹ phải đối diện trong 4 năm tới thật lớn lao. Thông tín viên về Ngũ Giác Đài của Đài VOA Luis Ramirez tường trình về lập trường của Tổng thống Obama và đối thủ Mitt Romney đưa ra trong những ngày cuối cùng trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu.
Đối với Tổng thống Obama, đã có những thắng lợi về an ninh.
“Chúng ta kết thúc chiến cuộc tại Iraq, chú tâm vào những người đã giết người dân chúng ta vào ngày 11 tháng 9. Và kết quả là lãnh đạo chủ chốt của al-Qaida đã bị tiêu diệt.”
Nhưng những cảnh tượng bạo động tiếp tục tại Iraq, Syria và Libya - nơi các phần tử chủ chiến tấn công vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Benghazi làm 4 người Mỹ thiệt mạng trong đó có đại sứ Hoa Kỳ - nhắc nhở đến vùng này còn mất ổn định hơn trước đây.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney nêu rõ là chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama đang rối rắm và đang đe dọa sự an toàn và an ninh của người Mỹ.
Ông Romney kêu gọi có một quân đội hùng hậu để làm nãn lòng kẻ thù và chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Obama cắt giảm các chiến hạm, cắt giảm lực lượng trên bộ, và quân đội dựa nhiều vào lực lượng đặc biệt, những cuộc hành quân bí mật, và máy bay không người lái.
Dưới chính quyền Obama, con số những phần tử chủ chiến bị giết trong những cuộc tấn công của máy bay không người lái gia tăng đáng kể, và chính quyền của ông chú tâm vào việc huấn luyện và trang bị cho các nước khác để thực hiện các cuộc hành quân, hơn là gởi quân đội Mỹ tham chiến.
Ông Romney cũng như Tổng thống Obama tránh việc cam kết Hoa Kỳ dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh khác.
Ông Michael O’Hanlon, một nhà phân tích an ninh tại Viện Brookings ở Washington nói:
“Các ứng cử viên đều nói về nhiều vấn đề, nhưng không nhất thiết họ có những khác biệt to lớn vì cả hai đều nhận thức công chúng Mỹ chán những can thiệp chính ở nước ngoài.”
Thêm vào việc sử dụng quân đội hùng mạnh để làm nãn lòng việc gây hấn của những quốc gia như Iran và chống lại sự nổi lên của các phần tử Hồi giáo cực đoan, ông Romney đề nghị dùng ngoại viện để làm áp lực với Ai Cập tăng tiến dân chủ và giữ hòa bình với Israel, và nói thêm ông muốn giúp đối lập Syria. Ông kêu gọi phát triển kinh tế, khuyến khích giáo dục, bình đẳng giới tính, và pháp trị tại những quốc gia có sự gia tăng các phần tử chủ chiến.
Trong số những quốc gia có các chi nhánh của al-Qaida đang bành trướng các căn cứ là Mali, một quốc gia Tây Phi.
Dù các ứng cử viên có đề cập đến Mali trong cuộc tranh luận cuối cùng, nhưng các nhà phân tích không thấy Tổng Thống Obama cũng như ông Romney đặt nặng châu Phi trong chương trình làm việc.
Vấn đề an ninh châu Âu không phải là đề tài chính trong chiến dịch tranh cử hiện nay. Cả hai đều muốn các thành viên của NATO bắt đầu đóng góp thêm nhân lực và trang bị mà thương thường Hoa Kỳ phải gánh vác. Cả hai khác biệt về chiến lược phòng thủ tên lửa đối với Nga - ông Obama thiên về một chính sách linh hoạt hơn đối với Moscow.
Bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử, 4 năm tới sẽ có nhiều thách thức hơn đối với Tổng thống Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG