Đường dẫn truy cập

Dân Âu châu lo lắng về cuộc bầu cử ở Mỹ


Một trung tâm bầu cử sớm ở Columbus, Ohio
Một trung tâm bầu cử sớm ở Columbus, Ohio
Dân chúng Âu châu đang chăm chú theo dõi giai đoạn chót của cuộc vận động bầu cử ở Mỹ, và nhiều người quan tâm tới vấn đề là kết quả cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các vấn đề toàn cầu.

Dân Âu châu không thể đi bầu trong cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng cũng giống như dân chúng ở những nơi khác, kết quả cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới họ. Từ các vấn đề kinh tế cho tới Iran và cuộc chiến ở Afghanistan, tương lai của Âu châu gắn kết chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Và hai ứng cử viên đang tranh nhau để giành quyền lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm tới dường như có những cái nhìn rất khác nhau về Âu châu.

Ông Mitt Romney, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, có một cái nhìn tương đối bi quan:

"Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama muốn biến đất nước chúng ta thành một quốc gia phúc lợi xã hội kiểu Âu châu, một nước mà dân chúng có quyền hưởng thụ nhiều phúc lợi từ chính phủ. Mô thức đó đã không có hiệu quả ở bất cứ nơi nào trên thế giới."

Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama có một cái nhìn lạc quan hơn về Âu châu:

"Mỗi một bước đều nêu rõ sự thật là Âu châu đang tiến tới chỗ hội nhập nhiều hơn nữa, chứ không phải tan rã, và những vấn đề này có thể được giải quyết và nó cho thấy sức mạnh nền tảng của các nền kinh tế ở Âu châu."

Bà Xenia Dormandy, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức Chatham House ở London, cho biết sự khác biệt về lời lẽ của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã được dân chúng ở bờ bên này của Đại Tây Dương chú ý tới. Bà nhận định:

"Ông Romney nói tới một nước Mỹ hùng mạnh, có đặc tính ngoại lệ – một nước Mỹ nắm giữ vai trò lãnh đạo. Và ông ấy nói tới việc gia tăng chi tiêu quốc phòng. Tất cả những điều đó là những điều làm cho người Âu châu cảm thấy lo lắng đôi chút. Ngược lại, ông Obama là người mà tôi gọi là một nhà lãnh đạo Âu châu. Ông ấy là người chú trọng tới sự đồng thuận. Ông ấy muốn làm việc trong những định chế đa phương, muốn có sự hợp tác. Tất cả những điều này được đón nhận một cách rất tốt đẹp ở Âu châu."

Đó cũng chính là lý do tại sao các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy số người Âu châu thích ông Obama cao hơn số người thích ông Romney tới 75%.

Bà Dormandy nói rằng quan điểm của dân chúng Âu châu đối với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ có một tác động cụ thể:

"Điều này rất hệ trọng. Nó sẽ mang lại sự tự do cho các nhà lãnh đạo Âu châu để họ có thể làm việc chung với ông Obama trong một cách thức mà họ sẽ không thể có được khi họ làm việc với ông Romney."

Bà Dormandy nói thêm rằng chắc chắn sẽ có một tác động như vậy, mặc dù chính sách đối ngoại của ông Obama và ông Romney dường như không khác nhau nhiều lắm.

Giáo sư James Boys của Trường King’s College của Đại học Cambridge tán đồng nhận định vừa kể. Ông cho biết tình hình sẽ không thay đổi nhiều, tuy ông Romney đã có những lời lẽ rất mạnh mẽ về các vấn đề đối ngoại, trong đó có các vấn đề liên quan tới Iran, Nga, và Trung Quốc. Ông nói tiếp như sau:

"Nói “tôi sẽ làm khác” thì dễ, nhưng lịch sử cho chúng ta thấy rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì được nói trong chiến dịch vận động tranh cử, khi các ứng cử viên hô hào cho sự thay đổi, với một sự cảm nhận về tính chất liên tục một khi họ lên nhậm chức. Cuộc bầu cử này đã làm cho đường hướng tương lai của chính sách đối ngoại của Mỹ tạm dừng lại. Và tôi nghĩ rằng nhiều người ở Âu châu chúng tôi đang nóng lòng muốn biết điều gì sẽ xảy ra trong năm mới dưới một chính phủ mới, bất kể là chính phủ đó nằm dưới sự lãnh đạo của ông Romney hay ông Obama."

Kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ được loan báo vào tối thứ 3 trong lúc hầu hết người dân ở Âu châu chìm trong giấc ngủ. Khi thức dậy vào sáng thứ tư, họ có thể sẽ đối mặt với một nhân vật quen thuộc và tương đối dễ làm việc chung với nhau. Nhưng cũng có thể họ sẽ đối mặt với một người mới, một người mà họ không được biết gì nhiều và từng có những tuyên bố đã gây ra những mối lo ngại vào lúc đầu.



Loading...

VOA Express

XS
SM
MD
LG