Đường dẫn truy cập

Kim Jong Un cảnh báo chông gai trong ‘cuộc đối đầu lâu dài’ với Mỹ


Lãnh tụ Kim Jong Un tham dự một phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 5.
Lãnh tụ Kim Jong Un tham dự một phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 5.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có lẽ chưa chính thức tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân trong bài phát biểu đầu năm đăng ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, ông Kim có vẻ như chuẩn bị tinh thần cho người dân nội địa về tương lai lâu dài không được nới lỏng chế tài, bác bỏ khả năng tiến bộ trong những cuộc thương thuyết vốn ngưng trệ trong nhiều tháng.

Trong bài phát biểu cuối hội nghị 4 ngày của đảng cầm quyền, ông Kim đưa ra một lập trường mới đối với Hoa Kỳ và cảnh báo nước ông về khả năng có những thời kỳ chông gai trước mắt. Do “sự đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ,” ông Kim nói, chuyện này nên xem như là một sự đã rồi rằng chúng ta phải sống dưới những chế tài của những lực lượng thù nghịch trong tương lai.”

“Sự đối đầu giữa nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Mỹ kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác hiện đã dồn thành một sự đối đầu rõ ràng giữa tự túc và chế tài,” ông Kim nói.

Ông Kim cũng dọa tái tục các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo liên lục địa hay thử nghiệm hạt nhân và cảnh cáo thế giới sẽ sớm chứng kiến một “vũ khí chiến lược mới”—bình luận này đã được tường thuật sâu rộng trên truyền thông quốc tế.

Tuy nhiên thông điệp gởi quốc dân của ông cũng cho thấy rằng ông Kim trở về tay không sau cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 2 năm qua tại Hà Nội với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

“Tôi nghĩ thất bại tại Hà Nội làm mất khán giả cho ông ấy và cho những người cổ súy cho lập trường ngoại giao với Mỹ,” ông Andray Abrahamian, một học giả tại Trường đại học George Mason Triều Tiên, nói. Ông Abrahamian nói tiếp “Họ tỏ ra yếu khi yêu cầu nới lỏng chế tài, nay họ ra chỉ dấu là họ không cần nữa.”

Giới ưu tú bất bình

Tại Hà Nội, ông Kim đề nghị dỡ bỏ ít nhất một phần của khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon để đổi lấy việc nới lỏng chế tài đã kéo lùi nền kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump bác bỏ đề nghị này. Đây có thể là một sự mất mặt cho ông Kim.

Thất bại trong việc được nới lỏng chế tài là một bất bình chính đối với giai cấp doanh nhân mới nổi của Triều Tiên, hiện bị thiệt hại vì những hạn chế về kinh tế, cũng như đối với những thành viên bảo thủ trong giai cấp ưu tú truyền thống, nhiều người trong số này chống lại những cuộc thương thuyết với kết quả là Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bài diễn văn của ông Kim có thể được soạn thảo một phần để thuyết phục các nhóm này gắn bó với chế độ--kêu gọi tiếp tục trung thành, tự túc và quyết tâm đối đầu với khó khăn.

Những khó khăn trước mắt

Một thay đổi quan trọng có khả năng xảy ra: một bước ngoặt thình lình về phía chính sách của Triều Tiên ưu tiên hạt nhân cùng lúc với phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là chi tiền nhiều hơn vào quốc phòng.

Ông Kim gợi ý về khả năng “thắt lưng buộc bụng” có nghĩa là hy sinh khu vực dân sự để xây dựng quốc phòng, theo nhận xét của bà Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích ở Seoul của NK News, trang web chú trọng đến Triều Tiên.

Năm 2012, ông Kim cam kết Triều Tiên “sẽ không bao giờ thắt lưng buộc bụng nữa.” Một năm sau, ông Kim loan báo chính sách byungjin. Vào năm 2018, ông Kim đảo ngược hướng đi, tuyên bố Triều Tiên có thể chú trọng đến tăng trưởng kinh tế. Bây giờ ông Kim có thể đã ra chỉ dấu là trở lại chính sách byungjin trên thực tế, nhà phân tích Lee của NK News nói.

Đây không phải là con đường duy nhất mà người dân Triều Tiên có thể bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Ông Kim cũng kêu gọi trấn áp mạnh hơn đối với những hành động “chống xã hội chủ nghĩa và phi xã hội chủ nghĩa,” gợi ý cho thấy các giới hạn khả dĩ đối với thị trường tư nhân đã được phép nổi lên trong những thập niên gần đây. Ông Kim cũng kêu gọi “thắt chặt kỷ luật đạo đức trong toàn xã hội.”

Bác bỏ đề nghị của Washington

Tại một vài điểm, ông Kim hình như công nhận là các chế tài làm tổn hại đến kinh tế của nước ông, nhưng ông cho rằng “chúng ta không thể từ bỏ an ninh tương lai của chúng ta vì những kết quả kinh tế, hạnh phúc, và tiện nghi trông thấy.”

Dù diễn văn của ông Kim không hoàn toàn bác bỏ những cuộc thương thuyết hạt nhân, nhưng đưa ra một lập trường cứng rắn hơn trong năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng đối với nền kinh tế Triều Tiên.

Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học Ewha Womans University ở Seoul nhận định: “Ông ta muốn Hoa Kỳ thương thuyết với Triều Tiên như là với một cường quốc hạt nhân đủ tư cách và trách nhiệm.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG