Đường dẫn truy cập

Khủng hoảng chính trị Thái Lan bắt nguồn từ nhiều năm trước


Những cuộc biểu tình hiện nay không khác gì mấy so với những cuộc biểu tình năm 2006 chống lại thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra.
Những cuộc biểu tình hiện nay không khác gì mấy so với những cuộc biểu tình năm 2006 chống lại thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra.
Vụ khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan, với những vụ xuống đường biểu tình rầm rộ gây tử vong cho ít nhất 4 người và gây thương tích cho hàng trăm người khác, đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA ở Bangkok gởi về bài tường thuật sau đây.

Những cuộc biểu tình hiện nay của phe Áo Vàng không khác gì mấy so với những cuộc biểu tình năm 2006 chống lại thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra.

Khi đó, một liên minh của những người thuộc phe bảo hoàng và giới trung lưu ở thành thị đã tố cáo chính khách tỉ phú này tham ô, và ông đã bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chánh không đổ máu.

Ông Thaksin đã bỏ nước đi sống lưu vong, nhưng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của giới lao động, là những người ưa thích các chính sách tài trợ y tế và giáo dục của ông.

Khi một lãnh tụ của Đảng Dân chủ đối lập được chọn làm thủ tướng năm 2008, những người ủng hộ ông Thaksin đã thực hiện những vụ xuống đường biểu tình làm tê liệt các hoạt động ở thủ đô Bangkok. Những người thường được gọi là phe Áo Đỏ, phần lớn là dân lao động và nông dân, xem đối thủ của họ là thành phần thượng lưu ở đô thị, những người không hay biết mà cũng chẳng quan tâm tới nhu cầu của người dân ở nông thôn.

Năm 2011, em của ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, lên giữ chức thủ tướng sau khi đảng của bà thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội. Mọi việc diễn ra êm xuôi trong hai năm sau đó, nhưng tranh chấp chính trị đã bùng ra trở lại hồi tháng trước vì một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua, sẽ cho phép ông Thaksin về nước mà không bị ngồi tù về tội tham nhũng.

Dự luật được chính phủ rút lại sau khi bị Thượng viện bác bỏ, nhưng các đối thủ của ông Thaksin nhất định đòi thay thế chính phủ hiện nay bằng một “hội đồng nhân dân” không do dân bầu lên.

Trong suốt cuộc tranh chấp này, Quốc vương Bhumibol Adulyadej được xem là bánh lái không thể thiếu của con thuyền quốc gia.

Trong lúc cả nước ăn mừng ngày sinh nhật thứ 86 của ông, Vua Bhumipol đã tránh đề cập trực tiếp tới vụ khủng hoảng chính trị hiện nay. Nhưng ông nói rằng Thái Lan có được hòa bình vì mọi người làm việc chung với nhau.

Vua Bhumipol nói rằng mọi người dân Thái Lan nên biết điều này và nên ra sức làm việc cho lợi ích của đất nước, cho sự ổn định và an ninh của đất nước.

Bên dưới nhà vua, quân đội là thực thể có nhiều quyền lực nhất. Các vị tướng lãnh đã thực hiện tổng cộng 18 vụ đảo chánh kể từ khi thể chế quân chủ tuyệt đối kết thúc năm 1932.

Cố vấn an ninh quốc gia Sean Boonpracong cho rằng các tướng lãnh là “những người mạnh mẽ ủng hộ” chính phủ hiện nay.

"Nhưng quân đội, theo nhận xét của tôi, đã thay đổi rất nhiều kể từ khi xảy ra cuộc đảo chánh năm 2006. Họ đã làm việc với thủ tướng để giải tỏa căng thẳng."

Tuy nhiên, những người khác, như giáo sư Panitan Wattanayagorn, cựu phát ngôn viên chính phủ của Đảng Dân chủ, cho rằng quân đội đã bày tỏ thông cảm với phe đối lập và điều đó có thể giải thích lý do vì sao cảnh sát không muốn đối đầu với người biểu tình.

"Quân đội nói rằng họ ủng hộ đất nước. Họ không hề nói họ ủng hộ chính phủ. Vì vậy, đó là một thách thức lớn đối với bà Yingluck, trong tư cách bộ trưởng quốc phòng, để có được sự ủng hộ hoàn toàn, sự ủng hộ tuyệt đối của quân đội. Dường như bà không có được điều đó."

Cố vấn an ninh quốc gia Sean Boonpracong, cựu phát ngôn viên của phe Áo Đỏ, bày tỏ hy vọng là Thái Lan đã tiến vào một thời kỳ mà sự can thiệp của quân đội đã thuộc về lịch sử.

"Tôi nghĩ rằng chữ đảo chánh có thể nói là đã hoàn toàn lỗi thời. Nhưng Thái Lan luôn luôn là Thái Lan, và vì thế, chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ khả năng này."

Một điều được cả hai bên trong cuộc tranh chấp chính trị đề cao là văn hóa Phật giáo của Thái Lan là một nền văn hóa của sự bao dung, tuy đôi khi có những vụ bạo động xảy ra.

Điều đó có thể giải thích tại sao giới hữu trách không bắt giam cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, nhân vật lãnh đạo cuộc biểu tình, mặc dù ông này đã bị truy tố về tội nổi loạn.

Điều đó cũng có thể được nhận thấy qua việc cảnh sát tháo bỏ rào cản để cho những người biểu tình chống chính phủ chiếm cứ, ít nhất là tạm thời và phần lớn là có tính chất tượng trưng, các cơ sở trọng yếu của chính phủ.

Theo giáo sư Panitan, có sự tự chế rõ ràng của cả hai phía trong những ngày vừa qua.

"Tất cả các bên đang ra sức kiềm chế, không sử dụng bạo lực; kể cả cảnh sát, quân đội và người biểu tình. Nếu họ tiếp tục như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có một thời đại mới của sự tranh giành. Nhưng, dĩ nhiên, chúng ta phải thừa nhận là chúng ta vẫn có những thành phần xấu, những thành phần phá hoại, bên trong mọi xã hội, kể cả xã hội Thái Lan."

Hiện chưa rõ Thái Lan có thể tránh được những vụ đổ máu hay không, nhưng nhiều người hy vọng là quốc gia Đông Nam Á này đã học được bài học từ tình trạng rối loạn chính trị kéo dài gần một thập niên nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG