Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Nhật Bản: Tình hình hạt nhân 'rất nghiêm trọng'


Hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chụp từ trên không, ngày 17/3/2011
Hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chụp từ trên không, ngày 17/3/2011

Nhật Bản đang tiếp tục các nỗ lực để làm nguội các lò phản ứng và những thanh nhiên liệu bị phơi ra tại nhà máy điện hạt nhân ở vùng ven biển bị hư hại vì cơn sóng thần tiếp theo trận động đất có cường độ 9 độ một tuần trước. Từ Koriyama, cách khu nhà máy khoảng 75 kilomet về phía tây, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã phát biểu một cách thẳng thắn khi một phóng viên hỏi ông về tình hình ở nhà máy hạt nhân Fukushima-1.

Thủ tướng Nhật Bản nói tình hình “rất nghiêm trọng” và nhiều người đang liều mạng sống tại nhà máy bị hư hại này. Nhưng ông Kan tỏ ra tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết trong nay mai.

Thủ tướng Nhật Bản đưa ra các nhận định sau khi nhân viên trong các xe chữa lửa phun nước vào các tòa nhà chứa các lò phản ứng bị hư hại, thực hiện một cố gắng được coi là đầy nguy hiểm nhằm làm nguội các thanh nhiên liệu mang tính phóng xạ cao.

Các vòi rồng mạnh đã được sử dụng để phóng 40 tấn nước thẳng vào các thanh nhiên liệu này, nhưng các nhân viên cứu hỏa phải giữ khoảng cách và hạn chế thời gian có thể ở bên trong khu nhà máy vì sợ bị nhiễm xạ. Nhưng quân đội dường như đã thôi không tìm cách lập lại công tác hôm qua là tưới nước bằng máy bay trực thăng vào các tòa nhà chứa lò phản ứng bị hư hại.

Trong khi đó, nhân viên điện lực đang kéo dài thêm một dây cáp truyền điện khẩn cấp đến khu nhà máy đã hoạt động 40 năm nay. Làm như thế để có được nguồn điện liên tục chạy các máy bơm nước. Nhưng các giới chức chính phủ cho hay có thể phải đến chủ nhật thì các cỗ máy làm lạnh mới khởi động trở lại được tại các lò phản ứng số 2 và số 3.

Kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần cách đây 1 tuần lễ, các đám cháy, các vụ nổ, và các lõi máy bị nóng chảy đã diễn ra tại 4 trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima-1.

Các giới chức cho biết lò phản ứng số 3 vẫn là ưu tiên. Các thanh nhiên liệu oxide hỗn hợp – còn gọi là MOX – có chứa chất plutonium cực độc hại đã bị phơi ra không khí một phần. Nếu không có nước thì các thanh này sẽ tiếp tục nóng và có khả năng phát chất phóng xạ ra bên ngoài cơ sở nhà máy ở vùng ven biển này.

Các báo Los Angeles Times và New York Times loan tin có một lỗ hổng hoặc trong sàn hay cạnh của hồ chứa nhiên liệu đã sử dụng của lò phản ứng số 4. Sự kiện này lại đề ra một thách thức nghiêm trọng khác cho việc giữ các thanh nhiên liệu không bị phơi ra không khí.

Chính phủ Nhật Bản nói tuy các mức phóng xạ cao đang được phát hiện ở cách xa nhà máy bị hư hại nhiều kilomet, chúng không đề ra một mối nguy hại cho sức khỏe con người.

Những người ở xa tận Tokyo không cảm thấy yên tâm. Các gia đình đã quyết định lên đường đi Osaka hay xa hơn về phía nam và phía tây. Tin cho hay nhiều chuyến bay đến các nước xung quanh chở đầy những người muốn rời khỏi nước giữa lúc có tin về khả năng xảy ra những vụ nóng chảy tại nhà máy hạt nhân. Một số người nước ngoài nói họ còn lo lắng vì thực phẩm và các thức khác ở các chợ biến rất nhanh trên các kệ hàng.

Một số chính phủ nước ngoài, kể cả Hoa Kỳ, đang có sẵn các máy bay thuê bao từ thủ đô dành cho công dân muốn rời khỏi Nhật Bản.

Một số quan sát viên Nhật Bản gọi các mối lo về phóng xạ của những người ở Tokyo là phản ứng quá mức, và nêu ra rằng những người trở về nước sẽ bị phơi nhiễm trong các chuyến bay ở độ cao nhiều hơn là cứ ở yên vị.

Các sự kiện dẫn tới vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG