Đường dẫn truy cập

Sóng thần ở Nhật Bản là thiên tai gây tổn thất nhất từ trước tới nay


Con thú nhồi bông nằm giữa những đống đổ nát ở Kesennuma, Nhật Bản sau thiên tai
Con thú nhồi bông nằm giữa những đống đổ nát ở Kesennuma, Nhật Bản sau thiên tai

Chính phủ Nhật Bản cho hay tổn thất tổng cộng về thiệt hại do cơn sóng thần gây ra có thể lên đến 25.000 tỷ yen - hay là 309 tỷ đôla Mỹ. Toàn bộ nhiều thị trấn bị xóa sạch khi cơn sóng ụp xuống hôm 11 tháng 3. Các nông trại, nhà máy, đường bộ, đường rầy xe lửa, và đường dây tải điện đã bị phá hủy, và gần nửa triệu người lâm vào cảnh không nhà. Bất kể sự tàn phá đó, nhiều người Nhật vẫn hy vọng công cuộc tái thiết sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản.

Nếu ước tính của chính phủ được chứng minh là chính xác, thì trận động đất và sóng thần tác hại miền duyên hải đông bắc Nhật Bản kỳ này sẽ là thiên tai gây nhiều tổn thất nhất trong lịch sử.

Tổn thất được dự đoán lên tới 309 tỷ đôla , gồm thiệt hại về nhà cửa, doanh nghiệp, và cơ sở hạ tầng trong 7 tỉnh bị nạn nặng nhất. Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện.

Tokyo là nhịp đập con tim của nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Trung tâm tài chính toàn cầu này đang chịu đựng cảnh cúp điện luân phiên vì thiệt hại gây ra cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Các hậu quả chưa được tính toán. Cựu bộ trưởng tài chính Nhật, ông Makoto Utsumi - hiện là chủ tịch Cơ quan Đánh giá Tín dụng Nhật Bản - nói rằng những tháng sắp tới sẽ rất gay go.

Ông Utsumi nói tính về ngắn hạn, dĩ nhiên Nhật Bản đang vấp phải thách thức nghiêm trọng. Nghĩa là Nhật Bản sẽ phải chịu đựng mức tăng trưởng âm trong 1, 2 hay 3 quý.

Nhưng về dài hạn, ông tin rằng sẽ là điều tốt cho nền kinh tế Nhật Bản, nhờ công tác tái thiết, là động cơ khích động nền kinh tế, tăng trưởng sẽ có thể được đẩy lên trong 3 hay 4 năm nữa.

Hậu quả của cơn sóng thần đang ảnh hưởng đến mọi mặt của sinh hoạt kinh tế.

Khu chợ Tsukiji -shijo là một trong những chợ rau lớn nhất thế giới. Mỗi ngày, hàng chục tấn hàng hóa từ Nhật Bản và khắp thế giới được trao đổi mua bán trong những nhà kho mênh mông này.

Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã cấm nhập nông sản của Nhật vì lo ngại về sự ô nhiễm của nhà máy điện hạt nhân. Những chủ quầy như ông Daiisuke Ichikawa chuyên bán hoa quả lo ngại rằng sẽ có những hậu quả lớn hơn nhiều cho công cuộc kinh doanh của họ.

Ông Ichikawa nói rằng không riêng ở Fukushima, những nơi khác như Chiba ngay bên cạnh Tokyo, và các tỉnh khác bị tác động của phóng xạ, những nơi mà ông làm ăn. Ông tỏ ý thực sự lo lắng.

Ngoài bìa chợ, ông Hiro Masamuto có một cửa hàng bán dao cung cấp cho giới buôn bán cá. Ông nói ông lấy làm lo lắng về tương lai, tuy chưa nhìn thấy các tác động đầy đủ. Song ông nói nếu khách hàng không đến nữa thì sẽ rắc rối to.

Các chuyến tầu tốc hành nổi tiếng của Nhật Bản đã từng chạy từ thủ đô đến vùng Tohoku bị sóng thần. Các xa lộ chạy về hướng bắc đang mở cửa lại cho xe cộ giao thông bình thường.

Nhưng nhiều công ty quốc tế đã dời nhân viên ra khỏi Tokyo, vì lo ngại một tai họa có thể xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Vô số các cuộc hội thảo, hội nghị và các sinh hoạt khác đã bị bãi bỏ. Số du khách đã sụt mạnh.

Tăng trưởng vẫn còn yếu - Kinh tế Nhật Bản vừa mới thoát khỏi cơn suy thoái năm 2009. Nhưng cựu Bộ trưởng Tài chính Nhật Makoto Utsumi nhấn mạnh rằng mặt trời sẽ lại mọc lên trở lại cho nền kinh tế Nhật Bản.

Ông Utsumi nói: “Đối với công cuộc tái thiết nền kinh tế của chúng ta, không riêng tái thiết khu vực mà là tái thiết toàn quốc, tôi nghĩ chúng ta có tiền bạc, có kiến thức, có kỹ thuật và chúng ta có sự can trường để đối mặt với những khó khăn này. Chung cuộc chúng ta sẽ thành công trong việc làm cho đất nước và khu vực trở lại sáng lạn.”

Với ước chừng 25.000 người chết hay mất tích, tổn thất về sinh mạng của thiên tai này thực là rõ ràng một cách bi thảm. Sẽ phải nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm nữa, trước khi có thể biết rõ mức độ đầy đủ của tổn thất gây ra cho nền kinh tế Nhật.

Những hình ảnh tàn phá sau động đất và sóng thần ở Nhật Bản:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG