Đường dẫn truy cập

Vụ bắt giữ giáo sĩ Bashir phá vỡ các hoạt động cực đoan ở ÐNÁ


Giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Bakar Bashir bị bắt hồi đầu tuần này sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng về một tổ chức khủng bố tự xưng là al-Qaida ở Aceh. Các chuyên gia phân tích nói rằng vụ bắt giữ ông ta quan trọng hơn việc phá vỡ một âm mưu khủng bố. Theo họ, sự kiện này chứng tỏ rằng giới hữu trách Indonesia bắt đầu đặt nặng vấn đề ngăn chặn các hoạt động cực đoan và tuyển mộ các phần tử khủng bố ở Đông nam châu Á. Từ Jakarta, thông tín viên VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hôm thứ tư tuần này, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Bakar Bashir bị cáo buộc là tiếp tay hoạch định các vụ tấn công khủng bố ở Indonesia. Đó là một trọng tôi có thể bị án nặng nhất là tử hình. Cảnh sát nói ông ta có liên can đến việc thành lập một tổ khủng bố và một trại huấn luyện các phần tử chủ chiến ở tỉnh Aceh âm mưu các vụ ám sát những nhân vật quan trọng và tấn công người nước ngoài ở thủ đô Indonesia.

Nhưng chuyên gia về khủng bố, ông Rohan Gunaratna thuộc Viện Nghiên cứu Sách lược và Quốc phòng có trụ sở ở Singapore, nói rằng tầm quan trọng tượng trưng của ông Bashir đối với phong trào Hồi giáo cực đoan vượt lên trên bất cứ vai trò hoạt động nào mà ông đã đã đóng.

Chuyên gia Gunaratna nói: “Ông Bashir vẫn còn là nhân vật trung tâm của phe khủng bố ở Đông nam châu Á. Ông ta là một bộ mặt công cộng. Ông ta là ảnh tượng khi nói về khủng bố ở Đông nam châu Á. Không ai nổi bật hơn Abu Bakar Bashir ở Đông nam châu Á.”

Giáo sĩ 71 tuổi này là người đồng sáng lập và là lãnh tụ tinh thần của Jemaah Islamiyah, mạng lưới khủng bố có liên hệ với al-Qaida. Mục đích của mạng lưới này là thành lập một chế độ thống trị của đạo Hồi rộng khắp các khu vực hồi giáo ở đông nam châu Á.

Jemaah Islamiyah đã bị quy cho là thủ phạm một loạt các vụ đánh bom làm hơn 250 người thiệt mạng trong thập niên vừa qua, kể cả những vụ xảy ra ở đảo Bali vào năm 2002 và 2005.

Ông Bashir đã ở tù hơn 2 năm vì liên can đến các vụ đánh bom khủng bố ở Bali làm 202 người thiệt mạng. Tối cao pháp viện Indonesia đã bãi bỏ bản án của ông vào năm 2006.

Ông Bashir phủ nhận mọi liên hệ với khủng bố nhưng vẫn tiếp tục phát biểu và thành lập một tổ chức hợp pháp có tên là Jama’ah Ansharut Tauhid, còn gọi tắt là JAT quảng bá việc thành lập một quốc gia Hồi giáo ở Indonesia. Việc ông bị bắt giữ đã được trông đợi sau khi nhiều thành viên của JAT bị bắt hồi tháng 5 vì bị cáo buộc là tài trợ cho các hoạt động khủng bố ở Aceh.

Chuyên gia phân tích an ninh Ken Conboy thuộc Nhóm Tham vấn Quản lý Rủi ro nói rằng cảnh sát đã dành thời giờ thu thập tin tức tình báo và bằng cớ chống lại ông Bashir để không lập lại những sai lầm họ đã mắc phải trong lần bắt giữ ông trước đây.

Ông Conboy nói: “Chính phủ thực sự đã vấp váp trong vụ chống lại ông ta. Họ đã đưa được ông ta vào tù. Họ không giữ vững được các cáo trạng lớn, và ngay cả những cáo trạng mà cuối cùng họ nắm được, cho nên ông ta đã được trả tự do. Vì thế tôi cho rằng lần trước chính phủ thực sự đã vấp váp và tôi chắc chắn rằng lần này họ sẽ làm việc rất có phương pháp và bảo đảm rằng họ có đủ mọi lý lẽ trước khi bắt giữ ông ta.”

Ông Bashir quy trách việc bắt giữ ông ta là do áp lực từ phía Hoa Kỳ và Australia và một số tổ chức Hồi giáo cứng rắn ở Indonesia bênh vực ông ta như một nạn nhân của các lực lượng chống Hồi giáo.

Ông Gunaratna cho rằng thế lực của ông Bashir trong việc cực đoan hóa những người Hồi giáo và tuyển mộ các phần tử khủng bố mở rộng khắp Đông nam châu Á. Mới đây, Malaysia đã bắt giữ 3 người bị nghi là phần tử chủ chiến được cho là có liên hệ với giáo sĩ cực đoan này.

Và ông nói rằng việc bắt giữ ông Bashir là một sự kiện gây biến chuyển cho cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực. Nó chứng tỏ là giới hữu trách Indonesia nay sẵn sàng truy lùng các lý thuyết gia nổi tiếng được quần chúng hậu thuẫn quảng bá các chủ nghĩa cực đoan.

Ông Gunaratna nói: “Tổng thống Indonesia đáng được khen ngợi vì các vị tổng thống trước đây đã không coi mối đe dọa là nghiêm trọng, và chắc chắn chính phủ Indonesia nên bỏ tù không những các phần tử khủng bố hoạt động mà còn cả các phần tử khủng bố trên lý thuyết, những người viết, những người tán đồng và hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Và ông Abu Bakar thuộc tất cả các loại đó.”

Nhưng ông Gunaratna nói rằng tầm quan trọng mới đặt vào việc trấn át những kẻ truyền bá các thông điệp quá khích này mới chỉ bắt đầu, và cần phải có nhiều biện pháp hơn để ngăn chặn quá trình cực đoan hoá một thế hệ Hồi giáo khác ở Đông nam châu Á.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG