Trong một bài phát biểu trước quốc hội hôm thứ Hai, Tổng thống Pratibha Patil tỏ ra sẵn lòng xem xét một mối quan hệ có ý nghĩa với Pakistan.
Nhưng Tổng thống Ấn Độ nói rằng điều đó chỉ có thể trở thành hiện thực nếu Pakistan giải quyết mối đe dọa khủng bố một cách nghiêm túc, cũng như tiến hành các biện pháp hữu hiệu quả nhằm ngăn chặn khủng bố hoạt động nhắm mục tiêu vào Ấn Độ.
Những lời phát biểu được đưa ra vài ngày trước khi các nhà ngoại giao hàng đầu từ hai nước gặp gỡ để tái tục một cuộc đối thoại đổ vỡ hồi năm 2008. Khi đó, vụ tấn công khủng bố ở Mumbai đã nhanh chóng khiến New Delhi ngừng triển khai tiến trình hòa bình bốn năm giữa hai đối thủ hạt nhân.
Cuộc gặp vẫn diễn ra ở New Delhi vào thứ Năm này bất chấp những lời kêu gọi của phe đối lập đòi hủy bỏ các cuộc đàm phán, sau khi xảy ra một vụ đánh bom vào một cơ sở sản xuất bánh mì nổi tiếng ở Pune hồi đầu tháng này. Vụ tấn công làm 15 người thiệt mạng, trong đó có hai người nước ngòai.
Đây là vụ tấn công khủng bố lớn ở Ấn Độ đầu tiên kể từ vụ tấn công ở Mumbai, mà New Delhi đổ lỗi cho các phần tử chủ chiến có cơ sở ở Pakistan.
Nhưng lần này, chính phủ Ấn Độ lại thúc đẩy sáng kiến tái tục cuộc đối thoại đã bị đình trệ.
Các nhà phân tích chính sách đối ngoại ở New Delhi hoan nghênh quyết định này. Một vị cựu ngoại trưởng Ấn Độ, ông Lalit Mansighh, cho rằng hai nước cần phải mở các kênh giao tiếp.
Ông Mansigh nói: “Hai bên đã không đối thoại với nhau trong suốt 15 tháng qua. Không trao đổi nghĩa là không dẫn tới kết quả nào. Điều đó không giúp đất nước chúng ta an toàn hơn trước các vụ tấn công khủng bố, và qua đối thoại, thì ít nhất chúng ta mới có thể đạt được một số lợi ích nào đó. Vì thế, hai quốc gia cần phải thảo luận vấn đề khủng bố, nhất là khi cả hai nước đều có vũ khí hạt nhân. Tiến hành các cuộc thảo luận sẽ mang lại lợi ích nào đó.”
Tuy nhiên, cả hai nước đều cho thấy là họ có những kỳ vọng khác nhau về cuộc đối thoại. Ấn Độ nói nước này muốn tập trung vào các vấn đề chống khủng bố, và rằng Islamabad cần phải cho thấy nước này nghiêm túc muốn khống chế các nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm gây ra các vụ tấn công ở Mumbai.
Pakistan thì nói rằng họ muốn tái tục các cuộc đàm phán về một loạt các vấn đề như Kashmir, khu vực lãnh thổ gây tranh cãi mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, và là trọng tâm tranh chấp của hai nước.
Dù vẫn còn các khác biệt đó, quyết định trở lại bàn đàm phán của hai đối thủ được coi là một bước quan trọng tiến tới việc giảm căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với Pakistan nếu nước này thực hiện các biện pháp diệt trừ khủng bố. Hai cường quốc hạt nhân đối thủ đang chuẩn bị cho các cuộc thảo luận chính thức đầu tiên trong hơn một năm qua. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1