Đường dẫn truy cập

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nâng lãi suất để làm dịu lạm phát


Bộ trưởng Tài chính Ấn Ðộ Pranab Mukherjee việc nâng lãi suất là không thể tránh được
Bộ trưởng Tài chính Ấn Ðộ Pranab Mukherjee việc nâng lãi suất là không thể tránh được

Đối mặt với lạm phát cao bất trị, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã nâng lãi suất lên lần thứ 9 chỉ mới trong vòng hơn một năm. Tuy nhiên có nhiều lo ngại là nền kinh tế lớn hàng thứ 3 châu Á này có thể chậm lại trong lúc nước này vất vả tìm cách kiềm chế giá cả trong nước, và đối phó với giá xăng dầu tăng cao tại nước ngoài.

Sau khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ loan báo lãi suất tăng 0.5%, Bộ trưởng Tài chánh Pranab Mukherjee cho rằng biện pháp này không thể nào tránh được .

Ông Mukherjee nói: “Cần phải xem xét những bước cần thiết để kiểm soát lạm phát.”

Đây là lần thứ 9 trong vòng hơn một năm Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nâng lãi suất nhằm nỗ lực làm giảm tỉ lệ lạm phát cao nhất so với bất cứ nền kinh tế chính yếu nào của châu Á.

Lần này, việc tăng lãi suất cao hơn dự kiến mang mức lãi suất ngắn hạn lên đến 7.25%.

Lạm phát được giữ ở mức khoảng 9%, dù có nhiều nỗ lực kiềm chế. Giá cả tăng cao, đặc biệt là giá lương thực làm thiệt hại cho hàng triệu người nghèo trong nước, dù rằng đã trải qua một thập niên tăng trưởng kinh tế cao.

Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Duvvuri Subbarao lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa lạm phát cao không giảm bớt. Ông nói đây có thể là một rủi ro lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai vì làm tổn hại đến đầu tư bằng cách tạo ra bất trắc.

Tuy nhiên việc kìm giữ lạm phát sẽ khiến chính phủ thấy rằng mục đích tăng trưởng kinh tế hai con số không thể thực hiện được.

Tăng trưởng cao mới có thể tạo công ăn việc làm cho số lượng lớn công nhân đang bị thất nghiệp. Tiên đoán của Ngân hàng Trung ương là tăng trưởng kinh tế có thể xuống đến mức 8% trong năm nay, thấp hơn con số 9% của năm ngoái.

Thống đốc Ngân hàng Subbarao cũng phác họa những thách đố khác mà Ấn Độ phải đối mặt. Ông nói mức cầu xuất khẩu có thể chậm lại và giá dầu thô và những mặt hàng thông dụng khác có thể tăng tùy thuộc vào nền kinh tế thế giới tiến triển như thế nào.

Ông Subbarao nói: “Nếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta xuyên qua mậu dịch, tài chánh và lòng tin. Thứ nhì giá cả hàng hóa thông dụng toàn thế giới là một yếu tố rủi ro đáng kể đối với việc tăng trưởng nội địa cũng như lạm phát. Tương lai giá dầu thô rất bất trắc.”

Ấn Độ đặc biệt lo lắng về giá dầu thô vì Ấn Độ nhập khẩu gần 3/4 năng lượng sử dụng. Chính phủ sẽ tăng giá xăng và dầu diesel sau cuộc bầu cử quan trọng tại các bang kết thúc vào tuần tới, nhưng điều này làm tăng áp lực thêm nữa vào giá cả.

Lãi suất cứ tăng đều đặn làm các nhà lãnh đạo doanh thương lo ngại. Một số người gọi đợt tăng lãi suất vừa rồi quá mạnh và bày tỏ sự lo ngại là đầu tư sẽ chậm lại.

Hôm thứ Ba phản ứng trước tin tăng lãi suất, thị trường chứng khoán sụt giảm gần 2.5% .

Ấn Độ phục hồi nhanh chóng từ sự suy thoái tài chánh toàn cầu và nền kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ tiếp tục là một trong những điểm sáng trên thế giới vào lúc một số quốc gia vất vả để vượt qua sự suy thoái nhưng có thể đang tiến đến một năm nữa với sự tăng trưởng khiêm nhường hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG